“CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH, CHÍNH CÔNG VÔ TƯ” THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: chuẩn mực đạo đức cách mạng chung nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giải quyết mối quan hệ “với tự mình” bao gồm những giá trị về: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là các đức tính cần có của người cách mạng, tất yếu. Trong di chúc, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Theo người: “cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính”. Và cán bộ, đảng viên “không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Người giải thích rõ thế nào là cần, kiệm, liêm, chính để mọi người hiểu và dễ thực hiện, đồng thời bổ dung, phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng, gìn giữ, hiện thực hóa phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng thời kỳ.

Người cho rằng, để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, người cách mạng phải luôn giữ vững nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, nghĩa là đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.

Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích Tổ quốc, nhân dân và Đảng. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng… Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng; đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; ra sức học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ; ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công dân và nông dân lao động, hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng…

Thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”

Để thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, Bác yêu cầu phải thống nhất giữa lời nói và việc làm, thực hiện tốt vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên; “nói đi đôi với làm”, phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, là thuộc tính cơ bản, đặc trưng của đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vì, chỉ có nhất quán giữa nói và làm thì cán bộ, đảng viên mới tạo được lòng tin của quần chúng.

Nếu cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít, nói mà không làm hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì nhất định sẽ mất lòng tin trước đơn vị, trước nhân dân và vai trò của sự nêu gương sẽ không thể phát huy được. Không chỉ căn dặn sâu sắc về vai trò, bản chất, mà quan trọng hơn, trong Di chúc nói riêng và hệ thống tư tưởng của Bác nói chung còn chỉ ra biện pháp để rèn luyện đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Thứ nhất: Mỗi cán bộ, Đảng viên phải luôn học tập để không ngừng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn và thấm nhuần đạo đức cách mạng

Học tập, tu dưỡng phải theo phương châm: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh. Người khẳng định: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hiện bốn chữ đó là: cần, kiệm, liêm, chính”.

Theo Người, đây cũng là biện pháp quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tính kỷ luật, dân chủ trong tập thể; luôn có ý thức trau dồi phẩm chất chính trị, tư tưởng, phải thật sự là công bộc của dân; luôn chăm lo học tập nâng cao trình độ lý luận; gắn nghiên cứu lý luận với thực tế công việc để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Trong công việc, người cán bộ, đảng viên phải nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, biết tự chỉ trích để tiến bộ.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình gắn với sự gương mẫu của người đứng đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đây là biện pháp hiệu quả để rèn luyện đạo đức nói chung và rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với cán bộ, đảng viên nói riêng. Người chỉ rõ, trong tự phê bình và phê bình phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; tự phê bình trên tinh thần thương yêu đồng chí. “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ được khỏe mạnh vô cùng”. Theo Người, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người đứng đầu trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng có ảnh hưởng tích cực, to lớn đến quần chúng nhân dân.

Ngược lại, bản thân người cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực và để lại những hậu quả không nhỏ, bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “để tu dưỡng đạo đức xã hội chủ nghĩa, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Phải luôn luôn tự phê bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới”. Đạo đức cách mạng phải là kết quả của sự khổ công rèn luyện, của một quá trình tu dưỡng công phu, lâu dài. Nếu không có quyết tâm và tinh thần bền bỉ thì sự suy thoái về phẩm chất, sự trượt dốc trong lối sống sẽ là tất yếu không thể tránh khỏi. Đúng như Người khẳng định “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Thứ ba: Nâng cao dân trí, phát huy quyền làm chủ, tăng cường dân chủ và mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng nhân dân

Đối với Người, đây là nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức và thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Bác, nhân dân nếu hiểu biết, họ sẽ có khả năng thực hành với tư cách của người làm chủ; nếu họ nắm vững được pháp luật, nắm vững quyền làm chủ của mình, sẽ tạo ra môi trường để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối ống; thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, gắn với quá trình công tác trên từng cương vị, chức trách nhiệm vụ.

Do vậy, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; tạo điều kiện thuận lợi; có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận đối với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cần có cơ chế động lực, phương thức, điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trau dồi, thực hành tư cách người cách mạng, đồng thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực đấu tranh, phê phán những hành động sai trái.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát cán bộ, đảng viên của các cơ quan nhà nước, thực hiện kỷ luật nghiêm minh của các rổ chức Đảng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là biện pháp cần được tiến hành thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, cũng như việc rèn luyện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Người cho rằng: “kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân.

Do đó, mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Cấp ủy các cấp cần có chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua kiểm tra, giám sát để quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên; đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm như tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.

Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư bản thân mỗi người phải luôn luôn nhắc nhở mình không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện bản thân.

Làm theo “cần” là chăm chỉ dẻo dai, bền bỉ cả năm, cả đời, làm việc có năng suất, có hiệu quả trong công việc được giao.

Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và nguồn lực để làm việc lâu dài; phải tích cực, sáng tạo trong công việc, đặc biệt là trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bảo, kinh tế tri thức đang ngày càng chiếm ưu thế, có cần thì việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được. Là cán bộ, đảng viên cần phải tích cực, chủ động, sáng tạo với công việc, gần gũi với nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay cần là yếu tố không thể thiếu được đối với mọi người, đặc biệt là đối với người cán bộ quản lý. Đồng thời đi đôi với cần, phải kiên quyết đấu tranh chống lại tư tưởng lười biếng, thụ động, trông chờ, ỉ lại trong bản thân mình, trong cơ quan, đơn vị và trong xã hội hiện nay.

Học tập và làm theo “kiệm” là mọi người không nên xa xỉ, lãng phí, phô trương hình thức, biết tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sức lao động của cá nhân, cơ quan, của nhân dân; tiết kiệm từ cái nhỏ nhất tới những cái lớn lao; tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, tiết kiệm thời gian học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, mỗi giây, mỗi phút đối với những người cán bộ, công chức càng quý báu hơn bội phần, phong cách làm việc phải khoa học, đúng giờ, tôn trọng mọi người: không gây sự sách nhiễu, lãng phí thời gian người khác, sống đúng với hành cảnh của mình và của cơ quan, tấm gương của Bác luôn nhắc nhở chúng ta về điều đó.

Tuy nhiên, không hiểu chữ “kiệm” theo nghĩa “thắt lưng buộc bụng”, tại thời điểm ta đang sống, không học Bác đi dép cao su hay vóc gạo bỏ vào hũ tiết kiệm; phải biết phân biệt giữa tiết kiệm và bủn xỉn; biết chống lại các biểu hiện phô trương hình thức, sống đua đòi gây lãng phí.

Học tập và làm theo về “liêm” là mọi người phải luôn giữ cho mình được trong sạch, giữ gìn của công và của dân, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham danh tiếng”; không tham ô, lãng phí, vun vén cho lợi ích cá nhân. Người cán bộ cách mạng phải liêm khiết, trong sạch, nhất là những người có chức vị, quyền hạn mà thiếu đức liêm, thì rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham ô, hối lộ, tư lợi, bất minh, thiếu tuân thủ luật pháp.

Học tập và làm theo Bác về “chính” là bản thân phải thẳng thắn trung thực, không tự cao, tự đại, không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá lừa lọc; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn đoàn kết, luôn cầu tiến bộ; việc được phân công thì phải làm cho tốt, làm đến nơi, đến chốn; không sợ khó nhọc nguy hiểm; phải gần dân, thân dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân và lắng nghe tâm tự nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh: phải làm tốt tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, thường xuyên chống lại mọi biểu hiện bất chính, mỗi ngày cố làm được một việc có lợi cho cơ quan, đơn vị, cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Học tập và làm theo Người về “chí công vô tư” là bản thân luôn mẫu mực, công bằng, công tâm, không có lòng riêng, thiên tư, thiên vị, đem lòng chí công vô tư với mọi người, với việc. Là người các bộ, đảng viên trong thời kỳ mới phải hiểu được rằng quyền lợi và nghĩa vụ của con người bao giờ cũng gắn liền với xã hội, không tách rời, đối lập với lợi ích cá nhân, làm bất cứ việc gì cũng vì tập thể, vì mọi người, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Muốn chí công vô tư phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, không vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật, là người cán bộ nếu thiếu đi “chí công vô tư” thì dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, cụ bộ, bè phái, gian xảo, quan lưu, mặt “lạnh”, tham danh, trục lợi; thích địa vị, quyền hành; tự cao, tự đại, coi thường tập thể; chuyên quyền, độc đoán…

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là một giá trị đạo đức của người cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành.

Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Suốt đời Người sống trong sạch, vì dân, vì nước, vì con người, không gợn chút riêng tư. Người đã đề ra tư cách người cách mạng cho cán bộ đảng viên phấn đấu và tự mình gương mẫu thực hiện. Người là tấm gương cụ thể, gần gũi mà mọi người đều có thể noi theo.