SÁNG NGÀY 20 THÁNG 5: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV
Sáng ngày 20 tháng 5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp giữa năm nên theo thông lệ, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày (không kể ngày nghỉ); Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 14/6/2019. Theo chương trình dự kiến, sáng 20/5, trước khi khai mạc kỳ họp, các Đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị, trong đó có nội dung quan trọng là thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Phiên khai mạc kỳ họp diễn ra vào 9 giờ sáng ngày 20/5 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu khai mạc kỳ họp.
Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.
Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Sẽ có 10 buổi họp trong chương trình kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp (chiếm tỷ lệ 25% tổng thời gian kỳ họp).