MỘT CÂU DI CHÚC GỬI GẮM BAO ĐIỀU

Ngày 10-5-1965, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc. Tháng 5-1966, Bác đã viết thêm vào bản Di chúc một câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Một câu Di chúc gửi gắm biết bao điều và câu Di chúc này hiện nay càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng ta đang tiến hành xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

* Bồi dưỡng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ
Không phải đến Di chúc mà trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đoàn kết, xây dựng và bồi dưỡng những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Bài học đầu tiên của lớp thanh niên cách mạng ở Quảng Châu – Trung Quốc là “Tư cách một người cách mệnh”. Trong bài giảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 23 nét tư cách của một người cách mạng, trong đó không thể thiếu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng ta “Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng”, phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó khẳng định tình đồng chí thương yêu lẫn nhau chính là cơ sở để nuôi dưỡng, nhân lên tư cách người cách mạng.

Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc. Trong cuốn sách này, Người dành hẳn một phần để nói về “phê bình và sửa chữa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phê bình việc chứ không phê bình người; phê bình là cốt để giúp người khác tiến bộ, chứ không phải để bới móc nhau, nói xấu nhau: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét”.

Ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm của Bác Hồ cho biết, khi viết bản Di chúc lần đầu tiên “có lúc Bác đã cầm bút lên rồi lại đặt xuống…”. Từ ngày 12 đến 14-5-1965, Bác họp Bộ Chính trị. Chính trong những ngày này, Bác đã viết thêm một câu đặc biệt quan trọng ở phần đoàn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”… Đến năm 1966, Bác viết thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

* Hãy thương yêu lẫn nhau

Không phải ngẫu nhiên mà Bác chỉ viết thêm một câu này trong lần sửa Di chúc năm 1966. Nếu quay trở lại thời kỳ Bác viết Sửa đổi lối làm việc, soi chiếu với tình hình khi ấy ở chiến khu, nhất là đọc kỹ tác phẩm Hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chúng ta thấy, khi ấy tình trạng mất đoàn kết đã diễn ra và có nơi đã trở nên nặng nề.

Năm 1965, khi bắt tay vào viết bản Di chúc lần đầu tiên, Người đã về Côn Sơn “thăm” Nguyễn Trãi. Là người am hiểu sâu sắc lịch sử nước nhà, Hồ Chí Minh hẳn không xa lạ với nội tình triều Lê sau chiến thắng quân Minh xâm lược. Những tướng lĩnh cùng “nếm mật, nằm gai” với chủ soái Lê Lợi sau này quay trở lại bức hại, tố cáo lẫn nhau. Chỉ sau mấy năm hòa bình, phần đông các cựu thần có công lao đều bị giết hoặc bằng cách này, cách khác. Những con người một thời dám chết thay cho nhau thì khi đất nước trở lại thái bình lại tìm cách vu cáo, hãm hại nhau.

50 năm sau ngày Bác đi xa, những lời căn dặn tha thiết ấy của Người vẫn còn văng vẳng bên tai. Vậy mà, không thiếu những tổ chức Đảng đã để mất đoàn kết, không thiếu những cán bộ, đảng viên gần như phai nhạt lý tưởng cao đẹp, đã sợ sệt, thu mình ít lên tiếng trước những bất cập, hạn chế của tổ chức, một vài cá nhân gây ra. Có những cuộc sinh hoạt chi bộ trở thành nhạt nhẽo với tư tưởng cầu an “anh không động đến tôi, tôi sẽ không động đến anh”. Có những người, khi phát hiện đồng chí mình sai phạm lại tỏ vẻ thích thú…

Nếu thiếu “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì cho dù quy định của Đảng có nghiêm tới bao nhiêu cũng không thể tiến hành được đoàn kết, dân chủ trong Đảng. Vậy nên, quy định cần phải có, nhưng vẫn rất cần ở mỗi cán bộ, đảng viên tình yêu thương lẫn nhau. Việc tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa và mang lại hiệu quả khi nó được tiến hành với động cơ trong sáng của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Học tập và làm theo Bác, xin hãy bắt đầu từ đây, từ điểm cốt lõi này.

Vũ Trung Kiên

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi