CÒN SỨC KHỎE LÀ CÒN CỐNG HIẾN

Tôi gặp bác Hồ Tấn Đãi- Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học khu phố 3 vào một buổi chiều tháng 5, khi cả nước đang hướng tới chào mừng 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị Cha già kính yêu của dân tộc. Người không chỉ dẫn dắt Đảng và nhân dân ta đi đến hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, mà còn để lại một kho tàng đồ sộ những tấm gương đạo đức sáng ngời. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho mỗi một người dân Việt Nam rèn luyện đạọ đức, hoàn thiện bản thân. Và bác Đãi, người trong suốt bao nhiêu năm qua đã cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển của địa phương mình, khiến tôi kính phục hơn cả về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt cuộc đời.

Bắt đầu tham gia vào Ban điều hành Tổ dân phố từ năm 1977, về sau làm Phó ban điều hành khu phố, Trưởng ban Mặt trận khu phố từ năm 2000 và Phó ban vận động khu dân cư, đến nay bác Đãi đã có 38 năm cống hiến miệt mài cho địa phương mình sinh sống. Làm vai trò cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân, người cán bộ dân phố từ thuở ban đầu vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ tình thương mến của bà con trong khu phố, nhờ sự nhiệt tình, vui thích trong công việc, khó khăn nào cũng vượt qua, dần dần còn có nhiều sáng kiến để công việc được nhanh hơn, tốt hơn. Bác Đãi không chia sẻ nhiều với tôi về những khó khăn của mình trong suốt quá trình công tác, bởi vì với bác, khó khăn nào cũng không làm vơi bớt đi sự hết mình của bác trong công việc, và bác luôn tìm thấy niềm vui khi giúp đỡ được mọi người, nên rồi cũng từng bước từng bước đi qua hết từ khó khăn này đến khó khăn khác, hoàn thành xuất sắc công việc của mình.

Một trong những điều mà bác Đãi tâm đắc nhất và học tập được từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là học tập suốt đời. Bác chia sẻ: “Không ai lớn lên là đã giỏi hết mà phải học, học thì có nhiều cách, và phải học suốt đời. Lấy tự học làm cốt, học ở thầy, ở bạn, ở công việc của mình hoặc học ở ngoài đời. Nếu mà học đc thì sẽ giúp cho mình rất nhiều, vì nếu một ngày không tiếp xúc, không học thì bản thân sẽ bị lạc hậu, tụt lại phía sau mọi người. Có thể nói là những cái gì mới với ngày nay nhưng sẽ cũ trong ngày mai, nếu ko cập nhật thì sẽ ko theo kịp đà tiến hóa”. Chính vì vậy, bác không chỉ tự tìm hiểu, tự học để nâng cao tri thức cho bản thân mình, mà còn muốn truyền sự ham học hỏi, hiếu học sang những người xung quanh, nhất là các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước. Bằng công việc của mình là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học, bác đã có những đóng góp vào công việc khuyến học, khuyến tài của khu phố. Nói về công việc của mình, bác Đãi cho biết: Hội khuyến học sẽ chăm lo học bổng cho các học sinh giỏi nhưng thuộc diện gia đình khó khăn, để các em đó không phải bỏ dỡ việc học giữa chừng. Hằng năm khu phố có từ 5 đến 8 suất, bình quân mỗi suất từ bảy trăm đến một triệu đồng. Ngoài ra còn khen thưởng những em học sinh giỏi những quyển vở trắng, một năm khu phố 3 được khoảng hơn 100 em, hoặc những em đạt giải cấp quận, cấp thành phố thì mình sẽ khen thưởng thêm bằng tiền để các em có thêm động lực học tốt”. Trong thời gian đầu mới tiếp nhận Chi hội Khuyến học, số tiền trong quỹ cũng không còn nhiều, bác Đãi phải đi vận động những nguồn kinh phí từ mạnh thường quân, “việc vận động tài trợ luôn là công việc khó khăn, nếu như không thật tâm, kiên trì, có sự chuẩn bị tốt thì sẽ thất bại. Ví dụ như có 4, 5 vị mạnh thường quân có thể giúp mình, nhưng mình phải tới giờ nào và tới thì trình bày những gì, nói làm sao cho người ta thấy việc của mình là hay, là tốt, để người ta giúp đỡ cho công việc khuyến học của khu phố. Vì nếu không có kinh phí thì thật sự rất khó để khen thưởng, để trao học bổng”. Tuy khó khăn là như vậy, nhưng bằng cái tâm, sự nhiệt tình và công việc ý nghĩa của bác làm cho các vị mạnh thường quân, người dân trong khu phố tin tưởng, đóng góp bằng nhiều hình thức, với bất kỳ ai đóng góp, dù nhiều hay ít, bác Đãi đều trân trong cảm ơn, ghi lại vào sổ sách rõ ràng. Nhờ vậy mà từ khi nhận nhiệm vụ từ năm 2007 đến nay, Chi hội Khuyến học của bác luôn có sự ủng hộ của mọi người trong khu phố, duy trì sự hoạt động ổn định, góp phần vào công việc khuyến học, khuyến tài cho thành phố. Nói về sự đóng góp của mình, bác lại khiêm tốn cho rằng không có gì là quá lớn lao, bởi vì theo bác việc khuyến học là nền tảng cốt lõi để làm bước tiến nâng cao dân trí, giúp những em học sinh trong gia đình kinh tế không được thuận lợi lắm điều kiện yên tâm học tốt. Trình độ văn hóa được nâng cao, trưởng thành có chuyên môn, việc làm tốt, cuộc sống được nâng cao cũng sẽ kéo theo sự phát triển của xã hội. Do đó việc khuyến học, khuyến tài là nghĩa cử, là công việc rất có ý nghĩa. Chính vì thế, bác Đãi đã gắn bó với công việc này với mong muốn những em học sinh giỏi trong khu phố, tới một ngày nào đó sẽ noi gương mình làm công việc hữu ích như thế cho địa phương. Bác không chỉ đang ra sức mình cống hiến trong hôm nay, mà còn nhiệt tâm vun xới để có những thành quả tốt đẹp trong ngày mai.

Bao nhiêu năm gắn bó với công việc bằng cái tâm trong sáng không vụ lợi, bằng việc giúp đỡ người khác bằng niềm vui, cống hiến hết mình cho địa phương, cho người dân khu phố; bác Đãi không chỉ ngày càng làm đẹp thêm nhân cách của mình mà còn truyền đi sự nhiệt tâm của mình đến với mọi người, trước hết là những thành viên trong gia đình bác. Cô Nguyệt, vợ bác Đãi là thành viên Hội chữ thập đỏ khu phố, có một bề dày đóng góp năng nổ cho hội chữ thập đỏ và dân số khu phố, được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Nhưng với cô, việc làm của mình là vì niềm vui, vì giúp đỡ được cho mọi người, và sự thương mến, yêu quý của người dân khu phố mới là điều quý giá hơn cả, chứ làm việc không phải vì lợi ích hay chỉ để được khen thưởng. Hai bác có năm người con, ai cũng nên người, thành đạt, miệt mài góp sức mình trong sự nghiệp phát triển đất nước. Có lẽ việc làm ý nghĩa của hai bác luôn là tấm gương để các con của mình học tập và noi theo.

Ở tuổi sáu mươi chín, nhưng bác Đãi vẫn còn rất khỏe và vẫn miệt mài với công việc của mình, bởi vì với bác, còn sức khỏe là còn làm, còn cống hiến. Là một võ sư Vovinam, bác luôn thấm nhuần tinh thần võ đạo “sống cho mình, sống là phải nhiệt tâm, đủ bản lĩnh, sức mạnh và phải sống cho người khác, để cho người khác sống”, đó cũng chính là câu nói tóm tắt đầy đủ nhất về sứ vụ làm người của bác Đãi trong nhiều năm qua. Điều đáng quý nhất ở bác chính là bác không chỉ sống đẹp, mà còn đem tinh thần của mình truyền đi xung quanh, để cho ngày càng nhiều người như bác, ngày càng nhiều những công dân tốt giúp ích cho đời. Cho đến tận hôm nay, sau gần 40 năm đem toàn bộ tình cảm, sức lực của mình vào sự phát triển của địa phương, bác vẫn sống một cách vô cùng ý nghĩa, vẫn ngày ngày mang niềm vui đến cho mình và cho mọi người, vẫn ngày ngày “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu)