“THAM NHŨNG VẶT”: HẬU QUẢ KHÔNG HỀ “VẶT”

Có thể nói, “tham nhũng vặt” đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Nó xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp khi muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn thì cần “biết ý”, có chi phí “lót tay”, “bôi trơn”… Từ thực tế bức xúc của vấn nạn “tham nhũng vặt”, Báo điện tử ĐCSVN có loạt bài “Tham nhũng vặt”: Hậu quả không hề “vặt” để góp thêm tiếng nói

BÀI 1: XỬ MẠNH THAM NHŨNG TO NHƯNG RẤT LO “THAM NHŨNG VẶT”

Những món quà biếu nhỏ, những khoản “lót tay” kiểu “nhẹ nhàng, tình cảm, không đáng là bao” đã như một phần tất yếu của cuộc sống hiện nay. Và hành vi nhận các khoản biếu xén ấy người ta vẫn gọi là “tham nhũng vặt”. Vấn nạn này đang ngày càng tràn lan, tinh vi, làm tha hóa, biến chất nhiều cán bộ, công chức…

Biến tướng những chi phí “ngầm”

Theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Còn về ý nghĩa của tính từ “vặt”, theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là nhỏ bé, không quan trọng, nhưng thường có, thường xảy ra. Vì vậy, chúng ta tạm hiểu “tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong cung cấp dịch vụ công. Từ đó, nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, “bôi trơn” vì mục đích vụ lợi.

Thực tế cuộc sống cho thấy “tham nhũng vặt” xảy ra ở nhiều lĩnh vực, thường xuyên nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; hải quan; thuế; tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức…và nó “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý.

Ở nước ta hiện nay, công cuộc PCTN đang ngày càng quyết liệt và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng liên quan đến nhiều quan chức các cấp, trong đó có cả đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm tăng niềm tin của nhân dân ta với Đảng … Tuy nhiên, nhân dân hài lòng với công cuộc “đốt lò” PCTN của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bao nhiêu thì chưa hài lòng với tình trạng “tham nhũng vặt” bấy nhiêu.

Tổng hợp kiến nghị cử tri tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm. “Tham nhũng vặt” xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Sự nhũng nhiễu của một số cán bộ, nhân viên tại cơ quan công quyền tạo ra một thói quen rất xấu khi đến “cửa quan” là phải “lót tay”, phải “bôi trơn”. Thế nên người dân mới “rỉ” tai nhau: đóng một con dấu đã có chữ ký của người có trách nhiệm cũng vài ba chục ngàn; thông quan qua hải quan đúng trình tự, pháp luật cũng vài ba trăm ngàn…

Điều “rỉ tai” của người dân là hoàn toàn có cơ sở khi tháng 4/2018 báo Lao động có bài điều tra “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng”. Bài báo phản ánh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền “bôi trơn” cho cán bộ Hải quan Hải Phòng khi đến làm thủ tục thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Bài báo này đã làm dư luận dậy sóng và ngày 27/4/2018, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thi hành kỷ luật đối với 10 trường hợp.

Đáng tiếc, đó không phải vụ tiêu cực, tư lợi duy nhất được báo chí, dư luận đề cập tới thời gian qua. Gần đây nhất, cũng qua báo chí, một vụ “ngã giá” liên quan đến các cán bộ xuất nhập cảnh thuộc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Bắc Giang, Hải Dương đã được đưa ra ánh sáng. Chưa hết, đầu năm 2019, hai cán bộ y tế huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tham ô tiền viện phí đã bị bắt giam điều tra. Trước đó, một cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Cà Mau bị khởi tố vì nhận hối lộ của dân 3 triệu đồng; một phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau bị kỷ luật khiển trách vì đã bao che sai phạm cho cấp dưới…

Trên thực tế, “tham nhũng vặt” đã không dừng lại ở “cửa quan”, mà lây lan như một bệnh dịch ra nhiều lĩnh vực khác. Đó là những chiếc phong bì người ta vẫn hay chuẩn bị khi đến gặp các bác sỹ, y tá, điều dưỡng hay các nhân viên xếp số tại các phòng khám trong các bệnh viện để bố trí cho người bệnh được khám nhanh, khám sớm. Người viết bài này cũng đã từng vài lần đến bệnh viện công và tận mắt chứng kiến những cảnh “lót tay” khi muốn được khám nhanh, khi muốn không bị tiêm đau,…

Rồi hiện tượng phổ biến mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua là “chạy trường, chạy lớp” cho con, nhất là những trẻ bắt đầu bước vào đầu cấp, trái tuyến, rồi những khoản tiền quỹ lớp, phí chống trượt… trong môi trường giáo dục. Hay tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền, quà trợ cấp khó khăn, trợ cấp nhân đạo, ủng hộ thiên tai… của một số cán bộ chính quyền tại các địa phương mỗi khi có các đợt ủng hộ và hoạt động nhân đạo…

Có thể nói là vô số những chi phí “không chính thức” mà người dân đang phải gánh chịu nhưng chỉ đến khi thông qua tố giác của người dân hay báo chí phanh phui, dư luận lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc….
Như “ổ mối ăn mòn chân đê”.

Đặc trưng của “tham nhũng vặt” tuy giá trị không lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, đạo đức của Đảng nói chung. Bởi đội ngũ công chức, viên chức chính là đối tượng phát triển đảng của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan chính quyền… Từ đó nó làm băng hoại đạo đức xã hội, làm người dân mất niềm tin đối với cơ quan thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của những công bộc tốt, công bộc đạo đức, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ…
Và khi “tham nhũng vặt” nở rộ thì đã có “cung” ắt có “cầu” của đội ngũ “cò mồi” chuyên làm dịch vụ, giải quyết nhanh hồ sơ, giấy tờ tại các bộ phận hành chính, tiếp dân. Từ nhu cầu thực tế đó, xuất hiện đủ các loại “cò” như: “cò đất”, “cò nhà”, “cò xây dựng”, “cò cấp giấy phép đầu tư”…

Tôi đã được một đồng nghiệp kể cho nghe về câu chuyện anh ấy đi đăng ký xe ô tô. Vừa đến nơi làm đăng ký đã có vài ông “cò” chào đón sẵn. Và nhờ “cò” nên anh ấy đã làm xong thủ tục sớm hơn người đến đăng ký cùng thời điểm với mình rất nhiều mặc dù là tâm lý rất khó chịu vì đã mất một khoản không có trong danh mục dự kiến và mang băn khoăn tại sao “cò” lại xuất hiện tại nơi đây?

Có thể nói việc để “cò” tồn tại rõ là trước tiên cần nhắc tới trách nhiệm của cơ quan công quyền. Bởi có một thực tế không thể chối cãi là khi thông qua “cò”, chấp nhận chi một khoản phí “bôi trơn” thì đều được việc. Họ được chen ngang, được làm nhanh và ân cần hơn hẳn những người đi làm theo cách xếp số thứ tự”. Thử hỏi nếu không có sự tiếp tay của nhân viên đang công tác tại các cơ quan công quyền thì “cò” có tồn tại được không? Mang câu hỏi này tôi được một cán bộ công an nói thẳng: “Dẹp “cò”, chúng tôi làm chỉ trong nửa buổi sáng là xong. Nhưng thử hỏi có dẹp được không nếu người đi đăng ký chấp nhận chi tiền nhờ “cò” để được việc. Nếu không có người tiếp tay, “cò” không bao giờ có đất sống”. Phải chăng “sự tiếp tay” hay “tham nhũng vặt” đã trở thành cách ứng xử với nhân dân?

Nói về tình trạng “tham nhũng vặt”, trong nhiều cuộc họp, hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều nhắc đến “tham nhũng vặt” và coi nó như căn bệnh “ghẻ ruồi”. Không phải đến bây giờ, mà cách đây vài năm, trong lần tiếp xúc cử tri ở quận Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng, không chỉ có tham nhũng lớn, mà “tham nhũng vặt” như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu”, đồng thời chỉ đạo, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Thành phố Hải Phòng cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên: “Tham nhũng lớn đã nghiêm trị rất nhiều, nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật nhưng “tham nhũng vặt” còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm chứ không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này việc khác phải đưa phong bì, phong bao”, Thủ tướng phát biểu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải ví “tham nhũng vặt” tinh vi và như “ổ mối ăn mòn chân đê”. Ổ mối tuy nhỏ, nhưng có thể phá hủy cả con đê lớn…
Và, dù diễn ra ở hầu hết mọi lĩnh vực, nhưng không phải bộ, ngành, địa phương nào cũng đủ can đảm để thừa nhận rằng vấn nạn này đang tồn tại trong ngành/địa phương mình…./.
Tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn tình trạng kẹp phong bì để giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực này. Đơn cử, một container thông quan mất phí bôi trơn 1 triệu đồng thì một năm doanh nghiệp mất cả chục nghìn tỷ đồng. “Những chi phí này sẽ giết chết doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn được, lý do cũng một phần do điều đó tạo ra cùng các khoản không chính thức khác”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Theo Cột cờ Thủ Ngữ