Đi về phía mặt trời

Trong gian nan, vất vả của cuộc sống vẫn tỏa sáng những tấm gương vượt khó như đóa hoa hướng dương quay về phía mặt trời, hướng thiện, biến ước mơ thành hiện thực cho cuộc đời ý nghĩa hơn. “Sống phải biết nhận và cho đi”, “Hạnh phúc đơn giản là khi giúp được người khác” là tâm sự của chị Lê Thị Hà – người phụ nữ duy nhất làm Tổ trưởng bảo vệ dân phố khu phố 6 – phường Cầu Kho, chị tham gia tổ cán sự xã hội và thành lập tổ “Bảo vệ Kim Đồng” cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn.
Theo lời kể của bác Huỳnh Văn Riều – Tổ trưởng tổ cán sự xã hội của phường: “Hà là một phụ nữ có đời sống khó khăn, vừa làm cha vừa làm mẹ bởi chồng mất sớm, nuôi 2 con gái vào đại học và cao đẳng. Hà trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc, tích cực, rất được tin tưởng, là điển hình khen thưởng cấp thành phố trong phong trào thi đua yêu nước, điển hình gia đình hiếu học”. Phường Cầu Kho từng là địa bàn phức tạp về ma túy, cán sự xã hội góp sức phòng chống và đẩy lùi ma túy, quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đối với chị Hà thì “Ai cũng có ước mơ, cần giúp người lầm lỡ đi lên bằng đôi chân của mình. Khi làm việc phải nhiệt huyết, yêu thương những người có hoàn cảnh đặc biệt, biết lắng nghe và làm việc bằng kỹ năng và cả trái tim”. Anh Tô Thanh Long – đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS tại Phòng Tư vấn, Trung tâm Tham vấn cộng đồng quận 1 cho biết: “Là người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương, Long và nhiều bạn rất cần sự quan tâm động viên tinh thần và giúp đỡ việc làm. Cô Hà nhiệt tình, năng nổ, giới thiệu cho người sau cai tham gia các buổi giao lưu kinh nghiệm chống tái nghiện, giới thiệu vay vốn, việc làm. Có khi để giúp vượt qua cơn thèm nhớ ma túy, các bạn tìm cô để được trò chuyện, động viên ngay cả lúc đêm khuya”. Hiện nay chị còn tham gia giảng viên nguồn của Hội Phòng Chống HIV/AIDS TP.HCM do tổ chức Ngo – Fantana (Đan Mạch) tài trợ.

Trăn trở sao cho những đứa trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc không trở thành gánh nặng cho xã hội trong tương lai, chị Hà thành lập tổ “Bảo vệ Kim Đồng” cho trẻ có cha mẹ chết, tù tội, bỏ đi, phải sống với bà con. Đến nay, tổ có trên 40 em từ 6 đến 16 tuổi. Tại địa điểm Ban bảo vệ dân phố khu phố 6 (số 42 Nguyễn Văn Cừ quận 1), chị tổ chức sinh hoạt và dạy các em những điều cơ bản: học chữ, làm toán, anh văn, luật giao thông, cách ứng xử, tinh thần đoàn kết, quyền trẻ em, bảo vệ bản thân và bạn bè. Tại đây có “Thư viện thân thiện” gồm nhiều sách thưởng của các em đạt được ở hội thi cấp quận, thành phố và của bà con khu phố gửi tặng. Nhiều giấy khen của các em được vinh dự treo trên tường: giải nhất thi kể chuyện “Bác Hồ Người cho em tất cả”, thi viết “Rực sáng ước mơ tuổi thơ”, vở kịch đạt giải “Về phía mặt trời”… Chị suy tư: “Con người là viên ngọc quý, cha mẹ các em bỏ rơi, mình lượm lại mài dũa để trả lại cho cha mẹ các em”. 5 điều Bác Hồ dạy được chị cắt nghĩa không chỉ ý nghĩa với thiếu nhi mà cả người lớn trong rèn luyện phẩm chất: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Gia đình chị là điển hình vượt khó sống đẹp, trong căn nhà thuê chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, chị làm đủ nghề để nuôi con từ những ngày đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ vài tháng tuổi. 2 con gái cũng là chiến sĩ vượt khó, phụ giúp mẹ, cố gắng học tốt, tham gia Bí thư Chi đoàn khu phố và tổ chức sinh hoạt của tổ Bảo vệ Kim Đồng. Ngọn lửa nhiệt huyết của 3 mẹ con thi đua nhau đạt nhiều bằng khen được truyền từ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương giúp đỡ gia đình lúc khó khăn, học tập nhiều tấm gương cán bộ địa phương xông xáo, gương người tốt việc tốt bình dị vẫn diễn ra hàng ngày của bà con đến thăm hàng xóm bị bệnh, những tiệm vá sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, đặt bình nước miễn phí cho người đi đường… Chị bày tỏ “Mình đăng ký hiến giác mạc, hiến xác cũng là cách giúp cho nhiều người, mỗi người làm việc tốt sẽ nhân rộng việc làm ý nghĩa. Mong xã hội đừng nghĩ về mình nhiều quá, hãy cho đi và tin rằng khi một cánh cửa đóng lại sẽ mở ra một cánh cửa khác, phải có ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ”.