Gần gũi bà con, trao gửi ân tình
“Giúp người phúc nhiều mà họa cũng lắm, nhưng mình sẽ hiểu hơn giá trị sống”.
“Bí quyết” công việc đơn giản là luôn sâu sát bà con để thấu hiểu từng hoàn cảnh, từ đó thuyết phục, vận động mọi người cùng san sẻ, giúp đỡ.
Có một người luôn theo sát người dân để hiểu từng hoàn cảnh, cảnh ngộ, từ đó tìm cho mình lời giải bài toán an cư, hướng giải quyết thuyết phục từng gia đình, cá nhân trong khu phố. Đó là chị Nguyễn Thị Tuyết Vân- Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 2, phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
“Bản thừa kế” không chữ ký
“Chị Vân chẳng sống cho mình, chị sống cho mọi người”. Tôi vô tình nghe được nhận xét từ một người ngồi uống cà-phê. Họ đang có chuyện gì đó khó khăn tính đến nhờ chị giúp. Bà con trong khu phố đều nói như vậy về chị.
Bản tính thương người, lại làm công tác mặt trận nên từ trẻ đến giờ chị Vân toàn đi làm những chuyện “bao đồng”. Cũng có lúc chị muốn buông xuôi, muốn bỏ quách cái chuyện không phải của mình mà cứ “nặng tình, vương tội”, nhưng lại tự nhủ ráng vượt khó làm theo lời ba căn dặn. Ba chị khi còn sống, luôn xắn tay áo, tháo chân giày “lặn lội” vào cuộc sống không may của người khác. Điều tốt ba làm cho dân cư chung quanh, cứ thấm vào suy nghĩ của chị mỗi ngày. Ông nói: “Giúp người phúc nhiều mà họa cũng lắm, nhưng mình sẽ hiểu hơn giá trị sống”. Ba mất đâu có làm “biên bản thừa kế lòng tốt”, đâu có ký thác điều đó cho chị, nhưng chị vẫn tự nguyện làm việc thiện giúp người, không phụ niềm tin ông gửi gắm.
Hẻm Chùa- hẻm số 4, khu phố 2 nơi chị Vân phụ trách là địa chỉ ám ảnh của giới xích-lô, xe ôm, ta-xi. Nếu khách gọi chở đến đây, người ta ngần ngại sợ gặp phải… nghiện! Họ tìm cách từ chối khéo. “Gặp trẻ con chơi, hỏi ba mẹ làm nghề gì, chúng bảo bán ma túy. Hỏi sao biết, chúng hồn nhiên: ba mẹ giấu có kỹ đâu, tụi con thấy mà”, chị Vân thở dài. Chuyện ngay trong một con hẻm ở quận trung tâm, nghe mà thấy bàng hoàng.
Làm công tác mặt trận ở giữa “điểm nóng” vất vả, gian nan bội phần nhưng nữ cán bộ nhân ái, hay lo hay liệu quyết không bỏ cuộc. Chị đến từng nhà vận động tương trợ nhau khi mỗi gia đình có tang ma, gặp khó khăn, hoạn nạn. Trong khu phố có nhiều hộ nghèo mà không ít người “ăn nên làm ra”, thế nhưng sự tương trợ, giúp đỡ thật hiếm hoi. Những người còn “kẹt lại” trong vòng khốn khó thường được nhìn nhận định kiến và ít sự cảm thông. Khi đề nghị người khá giả dang tay giúp đỡ bà con cùng khu phố, chị liên tiếp vấp phải phản ứng gay gắt: “Khu này toàn ma túy không!”. “Có người vì ma túy mà đi đến đường cùng, cả gia đình lâm cảnh khốn khó, mình không giúp đỡ, liệu có đành lòng?”. Thắc mắc ấy của chị khiến nhiều người phân vân, trăn trở. “Mưa dầm thấm lâu”, tấm lòng nhân ái rồi cũng được bà con thấu hiểu. Dịp Tết, chị xin một doanh nhân thành đạt mấy phần quà, mỗi phần 250 nghìn đồng. Người đó giấu tên ủng hộ từ thiện hẳn 50 triệu đồng- con số đó quá lớn ngoài sức tưởng tượng của chị.
Đi sâu từng hoàn cảnh mới thấy, người nghèo giúp họ 100 nghìn làm vốn cũng không được, mà giúp họ 500 nghìn đóng bảo hiểm y tế cũng không xong. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đưa tiền cho người nghèo là họ tiêu luôn, gặp ốm đau, hoạn nạn sẵn sàng vay nóng. Vì thế, chị bày cách quyên góp tặng bằng hiện vật: nào gạo, quần áo… và cả thẻ bảo hiểm y tế. Thấy mấy hộ đang bán hàng bỗng dẹp tiệm, hỏi chuyện mới biết họ hết tiền kinh doanh. Chị lại đi thuyết phục người giàu cho vay mấy chục triệu rồi chia cho mỗi hộ vài triệu đồng bán hủ tiếu, cháo sườn mưu sinh. Mỗi ngày họ tích cóp 10 nghìn trả nợ, chị gom góp làm vốn quay vòng cho người khác vay. Nhiều người đánh tiếng bảo chị… “gàn”, tự nhiên “chuốc nợ vào thân”, chị Vân vẫn khảng khái: “Người ta đã tin tưởng, lẽ nào mình từ chối. Mình cũng phải đặt niềm tin vào người cần giúp, nhưng không để họ trông chờ, ỷ lại”. Đến giờ, nhiều hộ vẫn chưa trả hết, còn chị đang mắc nợ “ân tình” những người cho mình vay chỉ bởi niềm tin.
“Lái đò” cập bến ấm êm
Lẽ thường, con người sống gần nhau nên tình nên nghĩa và cũng có thể gần nhau rồi ghét nhau, không nhìn mặt nhau. Một cặp vợ chồng kỹ sư lục đục suốt. Chị đến nói chuyện, muốn bỏ nhau thì dễ thôi. Ra tòa thì chia nhà, chia của, chia nợ, chia con. Chưa biết viết đơn thì tôi chỉ cách cho, nhưng nghĩ kỹ đi! Họ nín thinh. Rồi chị gặp riêng vợ hỏi han khuyên nhủ, gặp chồng phân tích, bảo ban. Ít ngày sau, vợ chồng họ gặp chị ngoài phố rối rít cảm ơn “không có chị thì tụi em “tan đàn” rồi”! Một “bợm nhậu” suốt ngày say xỉn, hai giờ sáng vẫn làm ồn khu phố, bao nhiêu người khuyên can ngăn chẳng được. Chị Vân đến tận nhà hỏi “Vì sao ồn?’, anh ta đáp “tại mẹ không thương”. “Tôi hiểu. Nhưng anh có thương con không? Thương khu phố không?”. Nghe anh ta trả lời “Có”, chị bảo “Anh thương nhiều vậy, tôi biết, anh ngủ đi. Mai tỉnh dậy thì la rầy mẹ nhé. Ngày mai tôi không can nhưng giờ này thì tôi can”. Chị về, người đó đi ngủ, cả khu phố ngạc nhiên…
Bấy nhiêu năm “ăn cơm nhà, vác tù và…”, chị đúc rút, có lúc cần tình cảm khuyên răn nhưng lúc nào “cần rắn, mình phải rắn”. Muốn làm tốt, mình phải học, phải đọc. Biết chuyện mấy cháu nghỉ học vì nhà túng thiếu, chị đôn đáo quyên góp, đến tận trường đóng dùm học phí, cho sách giáo khoa. Nhà ai có việc hiếu, ốm đau, đi sinh nở thường nhờ cậy, chỉ loáng sau chị Vân có mặt. Dân sống ở thành phố làm ăn buôn bán lâu năm, vậy nhưng mỗi khi có việc tiếp xúc cơ quan công quyền, bệnh viện…là ngại, không dám hỏi, chẳng dám thưa. Đích thân chị dẫn họ đi, hướng dẫn khai báo, hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ, lo toan chu đáo bất kể đêm hôm, lúc trời mưa to gió lớn.
Với chị Vân, “bí quyết” công việc đơn giản là luôn sâu sát bà con để thấu hiểu từng hoàn cảnh, từ đó thuyết phục, vận động mọi người cùng san sẻ, giúp đỡ. Có lúc chị kêu gọi dân phố giúp một cảnh ngộ khốn cùng: chồng đi tù, con mang bệnh. Có người hỏi, tôi có vài chục nghìn, chị có nhận không? Chị Vân nói hai nghìn, năm nghìn cũng nhận rồi ghi chép tỉ mỉ danh sách người ủng hộ để người nhận hiểu được tấm lòng bà con khu phố mà sống sao cho trọn tình. Và cái tính thương người dường như đã “ăn vào máu” nên khi chứng kiến hoàn cảnh đáng thương ở khu phố bên, nhà nghèo chẳng đủ tiền để làm tang cho trọn hiếu, chị cũng mủi lòng phát động bà con ủng hộ, rồi đến trại hòm nài nỉ xin… “mua chịu”. Trại hòm biết, cũng ngỏ ý giúp không lấy tiền… Bận rộn, vất vả là vậy mà chị vẫn vui.
“Sống trong đời, cần có một tấm lòng”, chị Vân sẵn sàng dốc lòng “cho đi” không chút toan tính, để “mỗi lần làm một việc tốt giúp mọi người, thấy tâm mình càng thảnh thơi, hạnh phúc”.
“Giúp người phúc nhiều mà họa cũng lắm, nhưng mình sẽ hiểu hơn giá trị sống”.
“Bí quyết” công việc đơn giản là luôn sâu sát bà con để thấu hiểu từng hoàn cảnh, từ đó thuyết phục, vận động mọi người cùng san sẻ, giúp đỡ.
Trong những buổi họp tại phường, chị hay phê bình thói quan liêu của cán bộ mặt trận. Không biết thì hỏi, ngại không dám hỏi người cùng phường về cách làm vì sợ xấu hổ thì hỏi người khác phường. Mỗi năm phải có sự chuyển biến chuyên môn, cán bộ mới làm tốt vai trò của mình.
(Trích bài viết từ báo điện tử nhandan.com.vn)