HỌC BÁC – HỌC TỪ NHỮNG ĐIỀU CỤ THỂ, NHỎ NHẶT NHẤT

Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, tôi cũng chưa bao giờ phải chịu thiếu thốn vật chất như những thế hệ đi trước. Tôi biết về Bác cũng mông lung qua những trang sách. Tôi cũng đã khóc khi xem những đoạn phim tư liệu quý giá trong ngày Bác mất. Nhưng với bản chất tò mò, chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe tôi vẫn ước mình sẽ gặp được người sống bên Bác, phục vụ Bác để một lần nghe trực tiếp hình dung về Bác. Và điều tuyệt vời ấy đã đến bất ngờ trong cuộc gặp gỡ với chú Trần Quân Ngọc – hội viên hội Cựu Chiến binh phường Cầu Kho.

“Sung sướng lắm!” – Đó là ba từ mà chú Ngọc không thể kìm nén lại cảm xúc khi nhớ về những ngày tháng được nhìn thấy, gặp Bác và thậm chí là phục vụ Bác. Những kí ức tuyệt vời ấy đã trở nên một động lực mạnh mẽ để chú Ngọc luôn luôn nhắc nhở bản thân và con cháu sống một đời chính trực, cống hiến, làm theo tấm gương của Bác.

Ở An toàn khu (ATK) Việt Bắc, trong những ngày kháng chiến chống Pháp, cậu bé Ngọc đã nhiều lần được gặp một cụ già hiền từ phúc hậu, luôn vẫy tay yêu thương với thiếu nhi. Cậu bé đó nhớ như in những câu chuyện nho nhỏ về Bác. Một lần, có một em thiếu nhi được gặp Bác và nói: “Từ bé tới giờ cháu mới được gặp Bác, sung sướng quá!”. Bác đáp lại vui vẻ hài hước: “Từ bé tới giờ Bác cũng mới được gặp cháu, Bác cũng sung sướng quá!”. Rồi cụ già hiền hậu vui đùa với trẻ nhỏ. Khi ấy trí óc non nớt của cậu bé Ngọc chưa biết đến những điều lớn lao Bác dành cho dân tộc Việt Nam nhưng những tình cảm yêu mến Bác đã khắc sâu trong lòng. Mười tuổi, cậu bé Trần Quân Ngọc đã trở thành một liên lạc viên của kháng chiến, tuổi nhỏ thì góp phần vào việc nhỏ, chẳng ngại nguy hiểm. Sau gần hai năm công tác, cậu được cử đi học ở trường thiếu sinh quân rồi được gửi ra nước ngoài học chuyên ngành Hóa về phục vụ đất nước. Trong những năm tháng công tác, chú Ngọc đã may mắn có dịp được dịch tài liệu cho Bác một số lần. Thường trước khi dịch, chú Ngọc rất lo lắng, nhưng được Bác động viên bằng những lời nói và cử chỉ ân cần, thân thiết nên chú đã tự tin, thoải mái hơn và đã hoàn thành tốt công việc.

Ở bên Bác, biết Bác là người tiết kiệm, không xa hoa lãng phí các đồng chí lãnh đạo khác cũng học hỏi theo Bác. Chú Ngọc cho tôi xem một tờ giấy cũ đã ngả màu vàng trong đó có lời dặn dò của đồng chí Đỗ Mười với người thư kí Trần Quân Ngọc. Mặt kia của tờ giấy là những trang in tư liệu, tận dụng mặt còn lại Thủ tướng Đỗ Mười lúc bấy giờ đã viết vào đó, giao việc cho chú Ngọc. Chú bảo: “Cháu thấy không, một Thủ tướng còn tiết kiệm thế này, học Bác từ điều nhỏ thế này thì mình cũng phải biết cố gắng làm theo”. Dù đời sống bây giờ đầy đủ hơn rất nhiều nhưng chú Ngọc luôn dặn dò con cháu phải biết quý những thứ mình đang có từ việc nhỏ nhất như tận dụng những trang giấy trắng còn thừa, vét sạch hạt cơm còn lại trong bát, may lại đường chỉ sứt của chiếc áo, ra khỏi phòng là phải tắt điện… bất cứ thứ gì còn dùng được, còn tốt thì không nên bỏ đi. Bao nhiêu người nghèo đói không có những thứ mà chúng ta đang lãng phí, những người lao động đã phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức mới làm nên những sản phẩm này.

Bài học đáng nhớ và bổ ích nhất trong các bài học về Bác mà chú lãnh hội có lẽ là sự tế nhị trong công tác giáo dục. Câu chuyện này chú được nghe bố kể chỉ một lần nhưng nhớ mãi: Một lần, Bác ghé thăm một đơn vị bộ đội. Bác đi một lượt thăm chỗ ăn, chỗ ngủ của chiến sĩ. Rồi bác vào thăm phòng dành cho ban chỉ huy. Thấy ở đầu giường của một cán bộ có treo ảnh một cô gái rất xinh, lồng vào trong khung kính. Bác hỏi: “Ảnh thím ấy đấy à?”. Đồng chí chỉ huy đơn vị ấp úng: “Dạ thưa Bác, đây là tấm ảnh cô văn công cháu cắt ở họa báo ra…” Bác nhẹ nhàng hỏi tiếp: “Thế thím ấy lên thăm chú, thấy ở đầu giường chú tấm ảnh đó, thì thím ấy nghĩ sao nhỉ?”. Sự dạy dỗ của bác chỉ nhẹ nhàng bằng câu hỏi thế mà thấm vào lòng người. Khi còn công tác với cương vị một người lãnh đạo hay giờ đây đã vui vầy cùng con chau trong tuổi già, chú Ngọc vẫn áp dụng bài học về cách giáo dục tế nhị này, những bài học đi cùng năm tháng…

Trong gia đình, chú Ngọc cũng áp dụng lời dạy của Bác, việc gì có thể làm được thì không nề hà. Không thể lấy lý do là mình đã gánh vác những việc ở cơ quan, ngoài xã hội mà không giúp đỡ vợ con. Chú sẵn sàng xắn tay vào bếp, phụ rửa chén hay xách giỏ cùng vợ đi chợ… Bằng cách đó, chú thể hiện tình yêu và niềm hạnh phúc gia đình của mình. Điều này tôi cảm nhận bằng trái tim mình khi bắt gặp đôi mắt trìu mến mà cô chú dành cho nhau, khi nghe chú giới thiệu về bức tranh vẽ vợ treo khắp trong căn nhà. Khi người ta dành cho nhau những điều chân thành thì hạnh phúc chẳng ở nơi nào xa lạ.

Một điều gần như đã in sâu vào tác phong của người lính cụ Hồ như chú đó là đúng giờ. Chú luôn nhớ bài học đúng giờ của Bác, tâm niệm mình tới trễ một phút thì cứ nhân lên với số người đợi chờ mình thì con số lớn bao nhiêu. Có làm việc đúng giờ thể hiện thái độ nghiêm túc với công việc và sự tôn trọng với người khác. Như một lời tâm tình, chú chỉ mong thanh niên học sinh sinh viên bây giờ cố gắng giữ tác phong này, đừng sử dụng giờ cao su. Học Bác đừng cho rằng phải học những điều lớn lao, chỉ cần hành động nhỏ nhưng thiết thực.

Những năm tháng này chú dành nhiều thời giờ cho việc viết lách. Chú muốn ghi lại những tư liệu quý giá về Bác, để sưu tập chúng thành bài học cho thế hệ trẻ ngày nay. Đến nay, chú đã có gần 1000 trang in về Bác Hồ. Những tập sách quý được xuất bản như: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Bác Hồ với văn nghệ, Theo bước chân người, Thư riêng của bác Hồ,… Những điều chú ấp ủ bấy lâu nay dần dần đã được hiện thực hóa. Nơi con người bình dị này quả là có một sức mạnh tỏa sáng phi thường.

Cả cuộc đời chú Ngọc, niềm tự hào đặc biệt có lẽ là việc học được Bác Hồ niềm hăng say, tự học để trau dồi kiến thức cho bản thân. Khi ở Nga, ngoài việc học chính là chuyên ngành hóa theo sự phân công của nhà nước, buổi tối chú Ngọc còn cắp sách đến trường đại học Mỹ thuật bằng đam mê riêng. Nhìn quanh ngôi nhà của chú tôi đặc biệt chú ý đến những bức tranh treo tường, cây đàn Piano ở góc phòng. Tất cả đều là niềm vui khi rãnh rỗi, khi đã về hưu an nhàn. Tôi hỏi: Nghệ sĩ thế này thì khi chú học hóa – một ngành đặc thù về tự nhiên thì chú có thấy nó bị bó buộc không?. Chú bảo: “Không, ngược lại, với chú thì học Hóa là cách để mình hoàn thiện bản thân. Đất nước đang cần ngành Hóa thì mình phải học tốt để phục vụ chứ”. Cách nghĩ tuyệt vời này đúng là tấm gương cho bản thân tôi khi chính mình chỉ gắng theo đuổi những thứ gọi là đam mê, chưa biết học cách đối diện với điểm yếu của mình.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của công việc chú Ngọc còn học thêm về Luật, kinh tế, chính trị cao cấp… chưa bao giờ chú nghĩ mình nên dừng lại việc học. Khi về hưu chú giữ chức chủ tịch hội quốc tế ngữ Esperanto, luôn sẵn sàng dạy quốc tế ngữ cho các bạn trẻ ham học một cách miễn phí. Nói đến quốc tế ngữ, chú khẳng định một niềm tự hào và hy vọng sự phát triển của nó trong tương lai gần. Hiện chú vẫn tham gia công tác đối ngoại nhân dân, làm việc với công việc của một Ủy viên Ban Thường vụ Quỹ hòa bình và phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Năm nào chú cũng nhận được Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đó là sự khích lệ to lớn để khi còn đi được, còn làm được là sẽ đi, sẽ làm vì nhân dân như Bác Hồ đã từng làm.

Điều làm tôi vô cùng khâm phục là khi đã ngoài 40 tuổi chú mới bắt đầu học tiếng Anh và hiện nay chú có thể sử dụng nó phục vụ cho công tác. Noi gương Bác Hồ, chú Ngọc rất chăm học tiếng nước ngoài, coi đó là phương tiện để mở rộng tri thức, để vươn tới những chân trời tri thức mới. Hiện nay chú có thể dùng được các ngôn ngữ như tiếng Nga, tiếng Trung, quốc tế ngữ Esperanto. Chú sợ nhất không phải nghèo khó, không phải cực khổ mà sợ hư cái đầu, không còn cống hiến cho cuộc đời được nữa. Thăm nơi chú lao đông, tôi không khỏi trầm trồ trước hàng trăm bức tranh, hàng ngàn bức ký họa quý giá mà chú đã ngày đêm miệt mài làm việc. Chú đã cho xuất bản 20 đầu sách về nhiều đề tài. Đó là mồ hôi, là nước mắt của những đêm dài sáng tác, là niềm vui sống của con người quen với công việc, không để phí thời gian. Chú quý từng giây từng phút của hiện tại, bởi “thời gian của chú giờ còn ít lắm”.

Trước khi chia tay, chú Ngọc còn lưu ý với tôi một bài học quan trọng nữa mà Bác Hồ thường nhắc nhở, đó là khi đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm thì phải chia sẻ với bạn bè, đồng chí, đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chú tâm sự: “Bây giờ tuổi đã cao, nhưng hàng tháng, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, chú vẫn đều đặn báo cáo tri thức thời sự và một số chuyên đề mà chi bộ quan tâm. Việc làm này đã thành một nề nếp quen thuộc, được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt”.

“Sẽ vẫn làm việc cho đến phút cuối cuộc đời” Người Đảng viên 56 năm tuổi Đảng này cả cuộc đời đã như con ong chăm chỉ góp cho đời những giọt mật quý, như con chim cất lên tiếng hát trong trẻo buổi bình minh, như dòng thơ góp cho đời những ý thật tươi. Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình sao vẫn còn nhiều điểm yếu kém. Tự thấy hổ thẹn với bản thân khi tiếp xúc với chú và tự hứa ngày hôm nay sẽ học hành chăm chỉ, cảm ơn chú với bài học này.