NGƯỜI ĐI “GIEO CHỮ”
Quan niệm “mỗi ngày một việc thiện” giúp cô Vũ Ngọc Ảnh từ một cô giáo xóa mù chữ và bổ túc văn hóa phường Cầu Kho trở thành bông hoa “Dân vận khéo” tiêu biểu của phường Cầu Kho. Cô không chỉ dạy hay, công tác giỏi mà hơn 30 năm qua, bông hoa ấy chưa từng ngơi nghỉ, dù làm việc gì cô cũng phải đi đến cuối cùng của kết quả.
Hơn 30 năm “khuyến học”
“Cô già rồi, còn gì để viết nữa đâu con” là câu nói cô Vũ Ngọc Ảnh – Nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học, chi hội trưởng chi hội Khuyến học khu phố 6 phường Cầu Kho, cứ lặp đi lặp lại với người viết trong suốt buổi trò chuyện. Lật mở từng tấm hình, cô Ảnh kể lại từng ngày công tác ở phường Cầu Kho khi mới 18 tuổi. Trong những ngày hừng hực tuổi trẻ, luôn mong muốn đóng góp, xây dựng đất nước, cô nhận được “lệnh” làm việc ở một vị trí “vừa khó vừa mới” mà cô vẫn nhớ như in ngày 1/8/1980, cô trở thành giáo viên chuyên trách xóa mù chữ, bổ túc văn hóa rồi sau vị trí này đổi thành giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục cấp 1, cấp 2, cấp 3. Ngoài công tác chuyên môn, cô kiêm luôn nhiệm vụ “lùng bắt” những học trò trốn học, bỏ thi.
Những vất vả như “Phải đi kiểm tra từng lớp, đến tận gần 10 giờ đêm mới được về ăn cơm, hay từng có người vứt ống chích vào bụi cây của trường, cô phải là người đích thân đi kiểm tra từng lớp, từng học sinh vì sợ các em nghiện ngập” kể lại thì dễ nhưng lúc đó có biết bao rào cản. Những tâm huyết, nỗ lực của cô dành cho các em học sinh đã được đền đáp bằng kết quả phổ cập giáo dục năm 1996, cả phường đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ sau 16 năm cô công tác. Đây cũng là một trong những niềm vui, động lực đầu tiên để cô tiếp tục dấn thân vào nhiều hoạt động.
Đến năm 2000, khi phường Cầu Kho thành lập “Hội Khuyến học” – vì còn là một cái tên xa lạ với nhiều người nên vận động tài chính trở thành thách thức với cô Ảnh. Trong khi những cái tên quen thuộc như “Hội Chữ thập đỏ”, “Hội Phụ nữ” dễ được hỗ trợ thì ai cũng e ngại một cái Hội quá mới vì nhiều người chưa biết đến. Và chính cô phải trực tiếp đi giải thích, vận động từng người trong phường, mạnh dạn sang quận khác để tìm mạnh thường quân, liên hệ với bạn bè ở nước ngoài để tìm nguồn tài chính ổn định cho hội Khuyến học.
Hơn 30 năm qua, dù nhắc lại chỉ là vài chữ quá khứ nhưng đó từng là một hành trình dài với cô Ảnh. Trên con đường giúp mọi người đi tìm tri thức có không ít khó khăn nhưng cô lại nghĩ: “Xin được gạo thì cho gạo, xin được giấy viết thì cho giấy viết, làm sao để các em không phải suy nghĩ, các em vui vẻ đến lớp học là cô thấy vui lắm rồi”. Cô không xem đó là khó khăn, thiệt thòi khi công tác ở một vị trí khó mà đó việc cần làm. Và để rồi sau đó là những kỉ niệm đẹp mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua.
Những nỗ lực đẩy mạnh hoạt động trong khu phố, trong phường, trong quận của cô một phần cũng bắt nguồn từ những ngày lên chùa. Từng có gần hai năm làm thiện nguyện như nhiều Phật tử khác, đến một ngày trong khu phố có người mất mà không có tiền chôn cất đã làm cô giật mình. Tự ngẫm: “Tại sao phải làm thiện nguyện xa xôi, ngay ở chính nơi mình sống đã có nhiều người cần giúp lắm rồi” và chiêm nghiệm: “Chùa không phải ở đâu xa, mà ở ngay chính đây, trong tâm mỗi người, trong chính khu phố này”. Suy nghĩ thay đổi, cô càng năng nổ thêm trong nhiều hoạt động giáo dục, dạy nghề cho chị em phụ nữ để phát triển kinh tế, động viên, hỗ trợ các em học sinh trong khu phố. Cứ như vậy nhiều sáng kiến mới ra đời và đạt hiệu quả cao ở chính nơi cô Ảnh sống và làm việc mỗi ngày.
Năm 2006, trong hoạt động “Gia đình Khuyến học”, cô Ảnh lại tiếp tục vận động bà con khen thưởng cho những học sinh giỏi trong phường, để các em có nhiều nỗ lực hơn thay vì chỉ học “nhàn nhàn” mà vẫn có tiền hỗ trợ mỗi tháng. Cô không chỉ dừng lại ở việc xóa mù chữ, giúp các em được “có học”, mà còn mong muốn các em tiến tới đam mê học để thành người có ích trong gia đình trước rồi mới ra ngoài xã hội. Có phụ huynh từng nói với cô: “Học hay không kệ nó, cô quan tâm chi cho mệt”. Cô không sợ trở ngại về vật chất vì mình có thể vượt qua hết nhưng những quan niệm, suy nghĩ hời hợt là khó thay đổi nhất. Song, cô chưa bao giờ bỏ cuộc, tiếp tục đối mặt với những thách thức, mà theo cô đó còn là những cơ hội mới.
Nghỉ hưu “tất bật”
Vì lý do sức khỏe, năm 2012 cô đã từ chức nhiều vị trí công tác, thu hẹp phạm vi hoạt động về khu phố, câu lạc bộ người cao tuổi, “Ngôi nhà vui khỏe” dù chỉ hoạt động trong phạm vi nhỏ nhưng cô luôn cố gắng làm tốt làm những việc được tin tưởng, giao phó. Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe, cô không đề cập nhiều. Dường như cô muốn mọi người nhìn vào hiệu quả làm việc hơn là dùng số tuổi, sức khỏe làm thước đo những việc cô làm mỗi ngày.
Hiện nay, cô vừa hoàn thành quy chế “Gia đình hiếu học” để chuẩn bị ra mắt câu lạc bộ ý nghĩa này. Cô khoe: “Điểm mới của quy chế là có nhiều thay đổi tiến bộ: hồi xưa cha mẹ con cái đều phải học văn hóa, nay không còn cứng nhắc vậy nữa. Cô nghĩ hiếu học không chỉ là học văn hóa mà còn là học lao động giỏi: trồng lúa cũng được, buôn bán cũng được nhưng phải không ngừng nâng cao tay nghề, chuyên môn, cũng như không cho con cái bỏ học, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội”.
Nhắc đến những trăn trở khi nghỉ hưu. Nhỏ giọng, cô tâm sự: “Muốn đề xuất mở các lớp Anh văn giao tiếp cho người bận rộn, lớp xóa mù vi tính, lớp tập yoga cho người cao tuổi mà chưa được”. Theo cô dù là thanh niên hay cao niên, càng lớn tuổi thì càng phải học hỏi thêm để đừng bị “cũ” thì sống mỗi ngày mới thấy vui và ý nghĩa vì chính Bác Hồ cũng từng nói: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau…”. Cô cũng tiết lộ một “ước mơ lớn” của mình: “Còn một việc chưa làm được nữa là cô muốn xin được tiếp xúc với các em tiểu học trong khu vực, mỗi tháng một lần thôi, hướng dẫn các em viết ra giấy những việc tốt đã làm trong một tháng rồi cô sẽ thu lại để các em có động lực giúp ông bà, cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày, để có cái mà khoe lên giấy với cô. Dù là làm không công, cô cũng khao khát được làm”.
Cách đây nhiều năm, cô Ảnh được trao tặng “Điển hình Dân vận khéo” vì những sáng kiến và hoàn thành hiệu quả trong thời gian công tác. Nói về những sáng kiến, cô cho biết: “Mình phải nắm được hướng đi của Hội Khuyến học Thành phố, rồi sau đó tự mình phải lựa chọn cách thức nào là phù hợp với địa bàn, chứ nếu làm rập khuôn, máy móc thì khó mà thành công lắm”. Hoạt động mang đến tiếng vang lớn nhất chính là đề xuất nuôi heo đất gây quỹ – phường Cầu Kho là một trong những đơn vị sáng tạo và tiên phong. Bằng nhiều nỗ lực vận động, cô Ảnh đã có được nguồn quỹ lâu dài cho Hội Khuyến học phường lẫn tổ chức “Gia đình Khuyến học” trong khu vực. Sau đó, cả hai mô hình này đều được nhân rộng sang nhiều phường, quận lân cận.
Dù bản thân không mưu cầu nhưng nhiều bằng khen chứng nhận đến với cô không ngừng. Những thành quả của cô lần lượt lên bảng tin quận 1 và các báo lớn như Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ Thành phố… Hỏi về bằng khen tự hào nhất, cô nói ngay mà không cần phải nghĩ: “Có lẽ là lần được đại diện quận 1 đi thắp nhang cho Bác Hồ cô khóc và hứa với Bác sẽ noi gương Bác mãi mãi”. Cô thường dạy con, cháu phải sống theo lời Bác dạy, bất cứ ai biết cô đều thấy rõ những việc cô làm, cách cô sống chính là học tập theo gương Bác Hồ. Làm việc tốt trước hết là không mưu cầu danh lợi, cô làm vì thấy bản thân có trách nhiệm mà chính cô cũng không ngờ những việc làm đó lại trở thành niềm vui sống mỗi ngày.
Khi nhắc về 30 năm công tác ở phường Cầu Kho, cô Ảnh không nghĩ có việc nào là khó khăn nhất mà “cái nào cũng khó khăn hết quan trọng là mình có quyết tâm hay không”. Nhờ đó mà cô có thêm không ít kinh nghiệm, rèn luyện thêm tính kiên trì, nhẫn nại. Vừa nói, cô vừa vấn lại mái tóc dày đã điểm bạc, giọng hóm hỉnh: “việc tốt không chỉ là phải làm những việc lớn lao”. Cô tâm niệm làm công tác khuyến học cũng như mình đi chùa, “mỗi ngày làm một việc thiện”, nhìn các em học sinh và phụ huynh vui là mình vui rồi. Làm công tác khuyến học phải có 5 chữ T: “Có Tâm, có Trí, có Tầm, có Tín nhiệm và có Thời gian”.