NGƯỜI ĐƯA ĐÒ THẦM LẶNG
Đến thăm trường tiểu học Chương Dương trong buổi chiều, ấn tượng đầu tiên khiến tôi cảm thấy thích thú là khuôn viên của trường tuy không lớn nhưng cấu trúc ấm cúng như một ngôi nhà chung, các dãy lớp khang trang, sạch đẹp. Ngắm nhìn các em học sinh nghiêm túc xếp hàng vào lớp với sự hướng dẫn của thầy cô, tôi đã thực sự cảm nhận được vai trò của môi trường sư phạm đối với sự hình thành tính cách và kỹ năng sống cho học sinh độ tuổi tiểu học quan trọng như thế nào. Cơ duyên đã đưa tôi gặp được cô Nguyễn Thị Minh Thu và hiểu hơn về cái nghề ba mươi bốn năm nay cô từng gắn bó, từ lúc bắt đầu câu chuyện vào nghề giáo ở tuổi 18…
Cô tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm TPHCM và Đại học Sài Gòn, ra nhận công tác tại trường tiểu học Chương Dương, phường Cầu Kho, Q1, TPHCM.
Ngay từ buổi đầu ra trường, lòng yêu nghề, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức tiếp thu được ở giảng đường sư phạm và thực tiễn cuộc sống, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu đã giành hết cho những cô cậu học trò yêu quý của mình. Cô luôn kiên trì, nhẫn nại nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu bài, hiểu bài một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, chẳng phải đợi lâu, từ nhiều năm nay, những lớp học trò do cô “nhào nặn” đã giành được nhiều thành tích cao trong học tập. Những lớp do cô chủ nhiệm, chất lượng cuối năm đều đạt 100% giỏi và đều có học sinh thủ khoa tốt nghiệp. Những thành tích nổi bật của các em học sinh là tiêu chí, thước đo thể hiện sự nỗ lực, cố gắng cũng như nghiệp vụ sư phạm của cô Minh Thu. Đồng thời cũng phần nào khẳng định chất lượng giáo dục của tập thể cán bộ, giáo viên trường tiểu học Chương Dương. Được biết cô còn đạt các thành tích tiêu biểu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp Thành phố và còn được trao tặng các bằng khen của sở giáo dục và đào tạo của Thành phố, ngoài ra cô còn là Đảng viên tiêu biểu trong nhiều năm liền.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cô luôn tích cực tham gia các cuộc vận động tuyên truyền, xây dựng chuẩn mực đạo đức lối sống, tác phong làm việc, gương mẫu đi trước làm trước, chịu trách nhiệm trước tập thể. Cô đã tâm sự với tôi rằng: “ Đối với cô, Bác như một người cha. Cô học tập ở Bác tính giản dị, gọn gàng và kỉ luật”. Đó cũng là điều cô tâm đắc và sống hết mình, vận dụng nó thật cụ thể trong việc dạy dỗ học trò. Cô nói: “Để thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân tôi luôn xác định trước hết mình phải là người đi đầu để các em học sinh noi theo. Đồng thời trong các tiết dạy thường xuyên lồng ghép giáo dục tấm gương đạo đức Bác Hồ và những tấm gương thực tế ở nhà trường và địa phương để học trò nhận thức được sâu sắc hơn”.
Buổi nói chuyện của chúng tôi dường như sợ có hồi kết, cô chia sẻ rất nhiều nỗi niềm của một người đưa đò thầm lặng. Ba mươi bốn năm qua lẽ là có những chuyến đò sang sông rồi thành công với vùng trời rộng. Còn cô vẫn cứ ngày qua ngày bên trang giáo án, bên lứa học trò cô gọi đó là niềm say mê. Kỉ niệm chiều hôm ấy gặp cô có thể cũng là duyên, tôi nghĩ cô đã “tiếp sức” cho hình ảnh Bác trong tôi càng thêm vĩ đại nhưng thật gần gũi. Dạy tôi học cách biết sống với say mê, giản dị và đặc biệt là “Làm đúng với việc, làm đúng với người, làm đúng với tâm”…
Thời gian có thể làm cho mái tóc này bạc nhưng đối với cô Minh Thu tận tâm với nghề giáo là tâm nguyện cả đời. Cô là gương sáng, gương điển hình tiêu biểu cho những “thợ rèn người cần mẫn” của sự nghiệp giáo dục, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dù mỗi ngày phía thế giới bên ngoài có nhiều thay đổi nhưng trong một nền giáo dục luôn luôn cần có những người thầy như vậy, lặng lẽ làm gương sáng cho đời. Thế hệ trẻ hôm nay ngoài việc luôn trau dồi kiến thức, còn phải dành nhiều thời gian để “tự rèn” mình không ngừng nghỉ từ những việc nhỏ nhất, như cô Minh Thu đã làm suốt ba mươi bốn năm nay. Dặn lòng rằng hãy tự vươn lên và phải sống xứng đáng với Bác.
Trong tất cả các nghề, nghề giáo là nghề thiêng liêng nhất. Sự nghiệp trồng người của cả dân tộc ta, của đất nước ta đều trông cậy vào những giáo viên như cô Minh Thu đây. Buổi chiều gặp gỡ với cô khép lại nhưng đong đầy trong tâm trí tôi lời nhắn nhủ của cô đến với thế hệ trẻ. Đây cũng là thông điệp mà trong những năm qua, cô luôn khắc ghi trong cuộc sống của mình.
“Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân”