NGƯỜI GIỮ LỜI HỨA NĂM XƯA

Tôi gặp cô Vũ Thúy Nga trong một buổi sớm đầy nắng, mà đầy nắng có lẽ bởi nụ cười trên khuôn mặt điềm đạm của cô. Vẻ giản dị, thân thiện của cô đã xóa tan đi những khoảng cách xa lạ của hai người lần đầu gặp gỡ. Những câu chuyện cứ nối dài tưởng như không bao giờ dứt.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức yêu nước, cô đã sống những ngày tuổi thơ thật bình dị. Nhà có bảy anh chị em, mỗi người đã có những con đường đi riêng nhưng mỗi khi nhắc đến cậu em hy sinh trên chiến trường năm 1972 cô không khỏi xúc động. Cậu em chỉ nhập ngũ một năm rồi hy sinh, bỏ lại bao ước mơ còn dang dở, và cô tình nguyện là người viết tiếp nó. Cô sinh viên đại học Bách Khoa khóa I ngày ấy sau khi tốt nghiệp đã xuất sắc được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy rồi theo lệnh điều động giữ chức Trưởng phòng kĩ thuật nhà máy dệt 8/3 và nhà máy dệt chăn Bình Lợi. Cô đã từng được nhận huân chương chống Mỹ cứu nước hạng II sau những nỗ lực lao động sản xuất của mình nơi hậu phương. Đến khi nghỉ hưu cô vẫn không ngừng nghỉ hoạt động để cống hiến cho đời. Động lực ấy là gì? Đó chỉ là vì một lời hứa.

“Cháu đã được vinh dự sống trong chế độ mới, được Bác dạy dỗ trở nên người. Cháu biết Bác từ ngày đầu cách mạng với trí óc non nớt của cháu đã kính yêu Bác vô bờ. Bài học đầu tiên khi cháu cắp sách đến trường là bức thư của Bác gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ lúc đó, cháu ước mơ được gặp Bác, ước mơ đó hơn mười năm sau cháu đã thực hiện được. Ngày 8/3/1965, lần thứ tư được gặp Bác khi Bác tới dự lễ khánh thành nhà máy dệt 8 tháng 3. Thật không ngờ đó là lần cuối cùng, những giờ phút này chúng cháu không dám nhìn lên ảnh Bác. Trước đôi mắt trong sáng kia đã nhắm lại rồi, cầm lòng làm sao được, Bác ơi!. Đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời Bác vẫn còn ân hận vì chưa hoàn thành nhiệm vụ thống nhất đất nước, Bác chưa được vào thăm đồng bào miền Nam, nguyện vọng tha thiết của Bác chưa được thực hiện Bác đã qua đời. Hứa với Bác sẽ cố gắng nhiều hơn, cháu sẽ phấn đầu một ngày không xa sẽ được đứng chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, cùng thế hệ chúng cháu dưới sự dìu dắt của Đảng tiếp tục sự nghiệp của Bác”– (Đêm ngày 5/9/1969- ba ngày mất của Bác). Cô Nga đã lật giở từng trang hồi ức trong cuốn sổ ngả màu vàng của thời gian, run run đọc lại mà hai khóe mắt rưng rưng. Có lẽ những cảm xúc nguyên vẹn của ngày cô lập nên lời hứa cuộc đời sẽ mãi không bao giờ phai. Có biết bao người đã hứa, đã thề nhưng bao người làm được? Nhưng dù số đó có nhiều, có thế nào đi chăng nữa thì vẫn còn đâu đây một con người sống hết mình vì lời thề xương máu. Người Đảng viên 40 năm tuổi Đảng đã không hề làm điều gì hổ thẹn khi đứng vào hàng ngũ vinh dự của Đảng.

Những lần được gặp Bác là kí ức vui vẻ nhất trong đời cô. Năm 1956, khi Bác thăm trường đại học Bách Khoa, cô sinh viên Thúy Nga đã được nhìn thấy Bác tận mắt và thuộc lòng lời Bác dạy: “Nếu các cháu học hành chăm chỉ, tốt thì Bác Hồ muôn năm còn không thì Bác Hồ muốn nằm”. Lời nói giản dị ấy như thấm vào lòng người, thúc đẩy thế hệ sinh viên năm ấy tiến bước thành công trong tương lai. Hai lần sau, cô cũng được nhìn Bác khi trong ban hợp ca hát cho Bác nghe. Thật tuyệt vời khi trong đời người lại có những khi gần với Người như vậy. Đến ngày 8/3/1965, một lần nữa tại lễ thành lập nhà máy dệt 8 tháng 3, cô Nga lại có dịp gặp Bác. Khi ấy, cô đang mang thai đứa con gái đầu lòng, bụng khá lớn. Mọi người phân công cô ở lại, giữ an toàn. Thế nhưng khi nghe Bác đến khu tập thể, trái tim trong lồng ngực như thổn thức, cô vội chạy ra vấp phải hòn đá chảy tứa máu. Nhưng không có cảm giác đau, cô chạy nhanh đến hơn, chỉ cách Bác một chút nữa thôi, nhìn thấy tận những đốm đồi mồi trên da Bác. Nhưng… cô vẫn chẳng dám tiến gần hơn bởi mình chỉ là một kĩ sư bình thường. Giờ đây khi nghĩ lại, hối tiếc vẫn còn, giá lúc đó lai gần chắc Bác cũng sẽ hỏi thăm cô… Đến khi đầu đã bạc, nghĩ lại vẫn còn hối tiếc chỉ biết bù đắp bằng những việc làm thiết thực nhất. Và tôi nghĩ những việc cô làm hôm nay đã tiến gần bên Bác, bởi nó là những gì Bác mong ngày đêm.

Tôi có hỏi: “Cô có nhiều thành tích và giấy khen không ạ?”– Cô trả lời – một câu trả lời khiến tôi hoàn toàn bất ngờ: “Nhiều lắm mà chẳng nhớ hết được”. Ai đó rất tự hào về thành tích nhưng còn cô, có lẽ điều tự hào là những việc làm chân thực trong cuộc sống. Khi nhắc đến người nghèo, ánh mắt cô vừa lấp lánh hy vọng vừa đầy những tình cảm chân thành. Cô kể niềm vui lớn nhất của cô là giúp được một người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Con cái có khi la: “Mẹ là cái ngân hàng ấy hả?”. Cô cũng rút kinh nghiệm chỉ cho vay dưới 20 triệu nhưng khi gặp người nghèo khó họ đến nhờ, có lại lấy ra hết, không giúp không được. Năm ngoái, có một cô gần nhà nghèo lắm, đi vay ở ngoài 6 triệu mà trả lời đến 85 nghìn một ngày. Vay thế, trả thế thì còn lời lãi làm sao với cái xe bán bột chiên. Thấy thương quá, cô cho người ấy vay rồi bảo cứ góp dần không lấy lãi. Mừng là sau 2 tháng cô bán bột chiên đã trả hết nợ, sau vay thêm 5 triệu nữa mua xe cho có cái đi lại, cũng trả hết. Đó thực sự là niềm vui không gì đánh đổi được, hiện cô bột chiên đã có thu nhập ổn định. Nhiều khi giúp đỡ vô điều kiện quá, có người không trả lại nhưng cô vẫn nghĩ mình làm đúng bởi đã không bỏ rơi một người nghèo nào lúc khốn khó. Bây giờ hễ ai có khó khăn đều đến tìm cô để nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của cô, họ xem cô như một người thân mới nơi đất khách quê người này. Tại khu phố của cô, người nghèo luôn nhận được sự trợ giúp kịp thời nhất. Quỹ người nghèo sẽ giúp việc ma chay khó khăn, bảo hiểm xã hôi, vay vốn phát triển kinh tế,… Chỉ cần tạm trú lâu dài tại địa bàn là các hộ nghèo cũng đã được giải quyết vay vốn. Những việc làm thiết thực này giúp cho những người khó khăn có cơ hội tốt hơn vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, cô đều tích cực vận động các manh thường quân đóng góp cho quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai từ 25 – 30 suất. Những học bổng này đều được trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh nơi khu phố cô đều nắm rõ và hiểu biết tường tận. Không chỉ nói mà cô đã làm, đó là điều đi vào lòng dân, thế nên bằng khen của Ban dân vận Trung ương dành cho cô: “Điển hình dân vận khéo” đã không hề đặt nhầm chỗ.

Thời gian đi của cô nhiều hơn thời gian ở nhà – đi để hiểu địa bàn, để biết mình vẫn cần cho đời. Cô là một trong số những thành viên tích cực của ban cán sự xã hội. Công việc mà ít người muốn nhận, bởi đối tượng tiếp xúc là thành phần tệ nạn xã hội, người nghiện ma túy. Tuy nhiên, cô Nga vẫn tìm thấy những niềm vui nho nhỏ trong công việc lặng thầm này. Với cô, những người nghiện vẫn hiền lành, chịu khó làm ăn nếu ta cho họ cơ hội làm lại từ đầu. Nhiều thanh niên trong khu phố khi cai nghiện thành công đã có công việc ổn định như thợ chụp ảnh, trật tự đô thị phường, kinh doanh… Dù có người nghiện nhiễm HIV hay đang ở giai đoạn cuối AIDS cô vẫn sẵn sàng đến chăm sóc, động viên họ. Ngoài ra, cô còn vận động thành lập một điểm chữ thập đỏ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, phân phát thuốc miễn phí. Tấm lòng của cô thực sự là bài học sống động nhất giữa dòng đời ngược xuôi còn bao nhiêu toan tính.

“Hãy làm – đừng nói”– Đó là điều mà tôi học được nơi cô rõ nhất. Cô bảo: “Bây giờ nhiều cuộc thi viết, thi kể quá nhiều. Nhưng kể thì nhiều người đã biết, đã nghe. Viết thì có thực chất không? Làm là cách hay nhất để mọi người nhìn thấy Bác trong hành động của mình. Hãy hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp cho khu phố, chăm lo giúp đỡ người nghèo, gia đình con cái trong ngoài phải hòa thuận. Còn giấy, để cho các em học sinh nghèo có cái học tập. Có làm, có cho họ thấy kết quả họ mới tin mình. Càng nghèo, càng trình độ thấp càng phải khéo léo, càng phải bình đẳng.”