TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC: KHÔNG ĐỂ LỌT NGƯỜI CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN VÀO CẤP ỦY KHOÁ 13
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tiến tới Đại hội Đảng, nghiêm cấm mọi biểu hiện tìm cách nâng người này, hạ người kia; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Để định hướng cho các cấp ủy đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết quan trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp uỷ, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp.
Đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, các cấp uỷ cần chủ động cụ thể hoá, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ và nhân sự cấp ủy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đảng bộ.
Tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch cấp ủy làm cơ sở xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, điều hành và xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra. Cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, khách quan, công tâm của các cơ quan có thẩm quyền trong đánh giá cán bộ; đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Để chủ động phương án nhân sự, cần kết hợp hài hoà giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian rèn luyện và thử thách qua thực tiễn.
Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng. Trong công tác nhân sự, phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp ủy với bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.
Nghiêm cấm nâng người này, hạ người kia
Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc. Cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy; nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ; những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy. Phương án nhân sự cấp ủy phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh, thành phố.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý Đại hội là cơ quan lãnh đạo, tập trung bản lĩnh, trí tuệ của toàn đảng bộ. Do đó, việc lựa chọn, bầu đại biểu dự đại hội cấp trên phải là những đồng chí thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín và tiêu biểu cho trí tuệ của đảng bộ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý, nhất là cơ cấu đại biểu giữa địa phương với ngành, lĩnh vực công tác để nâng cao hơn chất lượng thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đại hội.
Sau đại hội, các cấp ủy cần làm tốt việc phân công công tác đối với cấp ủy viên theo đề án nhân sự, bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ; chủ động xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác toàn khóa; coi trọng công tác tư tưởng, thực hiện tốt và kịp thời chế độ, chính sách đối với các đồng chí không tái cử theo quy định; có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống.
B.T.N/TTXVN