Sống là để cho đi…
Chiến tranh đã qua đi rất lâu nhưng những gì còn sót lại của nó luôn khiến ta chạnh lòng, khắc khoải; nhắc nhớ về một thời đã qua, một tuổi thanh xuân đã ra đi cùng năm tháng trên những chiến trường ác liệt trong công cuộc giành độc lập cho Tổ quốc, cho non sông thu về một dãy… Những chiến sĩ ấy, đến bây giờ vẫn không tiếc nuối và vẫn vẹn nguyên những kí ức về thời hoa đỏ, mang lí tưởng bộ đội cụ Hồ từng ngày, từng ngày sẵn sàng góp sức cho địa phương.
Gặp trung tá Huỳnh Văn Riều (chú Riều) vào một buổi sáng cuối tháng Tư mát mẻ, trong không khí cả nước chào mừng đại lễ, được nghe những câu chuyện thắm đẫm tinh thần cách mạng của chú về kỷ niệm nơi trận tuyến “mưa bom bão đạn” mà thế hệ “hậu bối” như tôi không khỏi thán phục. Chú học trường Sỹ quan Pháo binh khóa 1960 – 1963, phân khoa Cao xạ và tốt nghiệp năm 63 với chức danh thiếu úy. Sau đó chú giữ chức vụ Chính trị viên đại đội 4, Trung đoàn Pháo binh 228, thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không 367, cơ động khắp miền Bắc để đánh máy bay xâm phạm bầu trời miền Bắc.
Trong quá trình công tác của mình, chú đảm nhận rất nhiều vị trí: tổ chức cán bộ, tổ chức Đảng, pháo cao xạ… trong các binh trạm Đoàn 559 ở chiến trường Trường Sơn khói lửa, ở chiến trường miền Trung – Tây Nguyên, hành quân trong đêm, đối mặt với các trận sốt rét rừng nghiệt ngã, rồi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam không biết bao nhiêu lần. Chú Huỳnh Văn Riều kể về kỷ niệm thời chiến của mình bằng trái tim chân thành, mộc mạc của người con quê Củ Chi đất thép; khắc họa tình đồng chí, đồng đội rõ nét như những gì mới xảy ra hôm qua. Chú xem các mảng kí ức đó như một phần da thịt, một phần tất yếu cho cuộc sống của mình, hôm nay và cả mai sau.
Ở binh đoàn, người bộ đội Huỳnh Văn Riều được hai lần gặp Bác Hồ, có lẽ đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mà chú khắc ghi mãi không bao giờ quên. Nói đến đây nước mắt của chú chực trào, những lời nói tràn về từ miền ký ức xa xôi, sâu thẳm. Chú nhớ: “Lần đó Bác ghé thăm đoàn, Bác hỏi han tận tình về các chiến sĩ, sống và chiến đấu thế nào”. Chú Riều còn nhớ như in câu hỏi của Bác:“Ở đây có chú nào quê miền Nam không? Khi đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, thì các chú lại quay về với gia đình. Cố gắng nhé, rồi nước nhà ta sẽ có ngày thống nhất, và chắc chắn thống nhất”. Lúc ấy trong binh đoàn chỉ có hai người quê ở Nam Bộ, và chú Riều là một trong hai người, nên khoảnh khắc ấy đối với chú cứ như ngày hôm qua. Mặc dù không được tiếp xúc nhiều với Bác Hồ, nhưng trong tâm khảm chú Riều luôn ghi tạc hình bóng của Bác, làm theo những lời dạy và phấn đấu không ngừng trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ, xem đó là kim chỉ nam cho đến bây giờ – ngày hòa bình lặp lại.
Chú nhớ: “Có lần trong binh đoàn của chú, một người chiến sĩ tuổi đôi mươi, xa quê, xa gia đình nên buồn chán, có những suy nghĩ tiêu cực, không chịu làm nhiệm vụ để bị thoái ngũ cho về quê, để mặc cho mọi người chê trách”. Thấy vậy, trong vai trò Chính trị viên của mình, chú can thiệp, an ủi, chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm của thanh niên thời chiến. Sáu tháng ròng sống chung, khuyên bảo, cảm hóa bằng tình đồng đội nơi tiền tuyến khắc nghiệt thì đồng chí cũng hồi tâm chuyển ý và có nhiều suy nghĩ tích cực, tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Lúc đó chú đã nói với anh em làm công tác tổ chức chính trị: “Các em vận động bên Đoàn, các em phải biết ở tuổi thanh niên, đừng nên đánh giá vội; vì có cú sốc tinh thần nên anh em mới có trạng thái như vậy. Chúng ta chỉ cần cảm hóa, giáo dục, chỉ cần có thời gian rèn luyện, phấn đấu sẽ trở thành quân nhân tốt. Không có con người nào mang tư tưởng tiêu cực vĩnh cửu mãi mãi, mà chỉ tạm thời một giai đoạn mà thôi”. Qua cách nói này, chúng ta cảm nhận ngay rằng người bộ đội Huỳnh Văn Riều học được rất nhiều điều quý báu từ nơi Bác Hồ: sống luôn vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác vững tin bước qua những gian đoạn khó khăn, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc tâm lí đồng đội, những người ngày đêm cầm súng nơi chuyến tuyến gian nan.
Hòa bình lập lại, người bộ đội cụ Hồ Huỳnh Văn Riều chuyển ngành và đảm nhận vị trí trưởng phòng Tổ chức lao động ở Viện Thiết kế tổng hợp, thuộc Sở Xây dựng Sài Gòn. Sau đó, Sở Xây dựng cử chú đi học lớp quản lí kinh tế xây dựng ở miền Bắc trong vòng 7 tháng. Thời điểm sau chú đảm nhận một vai trò khác là phó phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở Xây dựng, rồi làm giám đốc công ty Khai thác cát , đá sỏi, vật liệu xây dựng.
Vì tố chất người bộ đội cụ Hồ luôn đấu tranh, nói thật, không nịnh bợ, tiểu tiết nên đôi lúc cũng gặp một số khó khăn trong công việc, vì không phải “ai cũng như mình”, như lời chú nói “cây ngay không sợ chết đứng”, dám đương đầu mọi khó khăn, không bị đồng tiền và chức danh chi phối. Thi thoảng, trong công việc, như chú đã chia sẻ, chú đã từ chối từ rất nhiều các cuộc giao tiếp trên bàn nhậu, về sớm để chăm lo cho vợ và con, giữ gìn mái ấm gia đình. Chú cũng có nhiều chia sẻ rất thẳng thắn trong vấn đề lấy của công làm của riêng, hành động này là một việc tối kỵ và tuyệt đối tránh xa. Đây cũng là một trong những đức tính của Bác Hồ mà chú học được và vận dụng vào cuộc sống: luôn kiên trung, liêm khiết, không tham lam, cậy quyền. Chú tâm sự, đức tính liêm khiết là một trong những đức tính quý giá của Bác Hồ mà chú luôn luôn khắc ghi và phải làm theo, có như vậy mới trở thành công dân tốt. Và từ chi tiết trên, chúng ta biết được rằng chú Riều đã học hỏi và vận dụng đức tính này vào đời sống thật khéo léo, tinh tế. Khi đi làm, chú là một người tham mưu tốt, trách nhiệm với công việc tuyệt đối. Khi về nhà, chú là một người chồng tốt, một người cha luôn tận tụy chăm sóc con.
Thời gian sau, chú công tác tại Liên hiệp dệt Hồng Gấm (thuộc Sở Công nghiệp), giữ chức vụ Trưởng phòng tổ chức cán bộ. Trong quá trình công tác, chú được cử về làm phó giám đốc của một xí nghiệp dệt (một trong số trên 30 xí nghiệp ở Liên hiệp dệt), kiêm luôn chức vụ phó bí thư chi bộ để vựt dậy xí nghiệp trên bờ vực khó khăn (vì lúc này ban lãnh đạo xí nghiệp đều bị kỉ luật), tức chú đã đứng ra dàn xếp và góp phần đưa đường hướng để phát triển lại cho xí nghiệp nhưng chú không mong muốn nhận lại danh vọng hay tiền tài về những gì mình bỏ ra, thật đáng để chúng ta nể trọng, noi theo.
Do chú Riều giữ nguyên công tác chính trị, mang trong mình sở trường của người bộ đội cụ Hồ nên rất được Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xem trọng và nhờ chú đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong đó đáng chú ý là phụ trách ở tổ cán sự xã hội tình nguyện để quản lí đối tượng hồi gia tái hòa nhập cộng đồng (đa phần là những người nghiện ma túy, HIV/AIDS, bài bạc… nói chung là các tệ nạn xã hội). Vì trách nhiệm cộng đồng xã hội nên các công tác chú thực hiện đều trên tinh thần hết lòng, làm cho đến nơi, đến chốn, “hễ đã nhận lời thì phải làm đến cùng dù công việc có khó khăn thế nào chăng nữa”. Tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe còn tốt nên ngày nào cống hiến được cho địa phương thì chú vẫn cứ làm.
Trong quá trình tiếp xúc và giúp đỡ những người hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng, chú luôn tâm niệm rằng: “Người ma túy chỉ là nạn nhân của xã hội, chứ không phải tù tội gì, đặc biệt mình cần có thái độ chia sẻ, thông cảm, phải cảm hóa bằng giáo dục, từ trái tim đến trái tim. Cá nhân phải có những nhận thức đúng đắn, xuất phát từ tấm lòng thì mới có thể kiên trì làm, cháu nào chịu chí thú làm ăn, quay về làm lại từ đầu thì sẽ giảm rất nhiều gánh nặng và áp lực cho gia đình, xã hội, an ninh địa bàn giữ vững tốt hơn, có như thế địa phương mới thật sự phát triển bền vững ở mọi khía cạnh, vì đa phần những người hồi gia là những người trẻ, những người ở độ tuổi cống hiến”. Chú cũng đề xuất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về quỹ Vì người nghèo, làm đúng theo quy trình xét duyệt vay vốn để những người hồi gia có điều kiện làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên vẫn có 1 số cá nhân xin vay 5 triệu từ năm 2010 nhưng đến nay mang trả mới có 200.000 nhưng thôi, chú cũng ráng thông cảm, cho cơ hội làm lại. Đó chỉ là một trong số ít trường hợp đáng tiếc xảy ra, còn lại phần đông đều thành công, có công ăn việc làm từ số vốn hỗ trợ đó. Tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Hiệp, vay vốn để mua phụ tùng sửa xe máy, và anh Hà Huy Công đi học nghề lái xe (đang lái cho công ty liên doanh Đài Loan), và hiện nay hai anh này có thu nhập rất ổn định, giúp cho gia đình tương đối ổn định.
Từ chi tiết này, chúng ta thấy rằng người bộ đội cụ Hồ Huỳnh Văn Riều có tấm lòng khoan dung và vị tha thật đáng trân trọng, đó cũng là một trong những đức tính tốt mà chú học được từ Bác Hồ. Chú Riều luôn nhắc đến Bác Hồ trong sự bồi hồi và kính phục. Chú tâm sự: Dù bây giờ hay mãi mãi về sau cũng vậy, chú sẽ luôn phấn đấu không ngừng để mãi xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”. Những năm tháng chiến tranh đã rèn luyện chú, biết lấy vất vả, đau thương để làm mầm hy vọng, phấn đấu vì ngày mai tươi sáng, non sông thu về một mối như lời Bác Hồ từng khẳng định.
Trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng chú rất khiêm tốn, phong thái giản dị toát lên cung cách của người từng trải, không chỉ trong thời chiến mà người bộ đội cụ Hồ Huỳnh Văn Riều còn mang chúng vào giữa đời thường và tận tụy đóng góp sức lực cho địa phương. Tuổi cao nhưng chí càng cao, chắc chắn ai đã một lần tiếp xúc với chú sẽ không khỏi thán phục vì những năm tháng oai hùng giữa chiến trường khắc nghiệt, nay vẫn còn đó nét phong độ không phai. Thật không quá nếu nói rằng chú là một tấm gương sáng giữa đời thường, giữa những bộn bề đua chen của cuộc sống, chú vẫn làm người ta tin rằng xã hội vẫn còn người tốt như chú.
Mặc dù là một người lính trở về từ chiến trường, nhưng những tố chất bộ đội cụ Hồ vẫn được chú mang vào và vận dụng một cách linh hoạt, sắc sảo. Chú học được rất nhiều bài học quý báu từ Bác Hồ, luôn làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú tâm sự: “Dù Bác đã đi xa, nhưng những gì Bác để lại không gì so sánh được, những tư tưởng, lối sống đó vẫn luôn soi sáng, không chỉ với chú mà cả toàn thể dân tộc Việt Nam”. Thật vậy, mỗi việc làm của chú dù lớn hay nhỏ, từ việc làm lãnh đạo ở xí nghiệp dệt, cho đến chức Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường chú đều học hỏi và áp dụng những bài học vô giá từ Bác Hồ: khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, luôn quan tâm, giúp đỡ người khác tận tình. Chính những suy nghĩ, hành động luôn giúp cho đời, giúp người của chú đã làm chúng ta cảm phục, và thấy rằng chú vận dụng những bài học đạo đức, lối sống của Bác Hồ vào đời sống thường nhật thật hay, thật giá trị.
Hôm nay và mai sau nữa, chú vẫn không quên hình ảnh và giọng nói Bác Hồ lần đến thăm binh đoàn, không quên những ngày nếm mật nằm gai, chứng kiến những tang thương mất mát, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường Trường Sơn những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tuy một đời “tung hoành” với nhiều cương vị khác nhau, trải nghiệm những cái mà chưa chắc ai cũng được trải qua như chú, nhưng chú rất khiêm tốn “như Bác Hồ vẫn dạy chúng tôi”. Những giọt nước mắt chú rơi theo từng câu chuyện, những dòng hồi tưởng chân thật đến mức người nghe như cảm nhận được mình đang xem một bộ phim tài liệu về những năm tháng oai hùng của đất nước. Quay về từ chiến trường với chất độc đioxin có lẽ là một điều tàn nhẫn với chú nhưng chú vẫn cứ xem nhẹ, “vì chỉ lạc quan mới giúp con người có thêm nghị lực để sống và giúp người khác chứ”. Chú luôn làm để giúp người khác nhưng không mong được hậu tạ vì chú luôn tâm niệm (và cũng là quan điểm sống của chú): “Sống là để cho đi chứ không phải nhận lại đâu”.