BÀ MẸ CỦA 40 ĐỨA TRẺ

Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” là tám chữ vàng Bác Hồ dành cho phụ nữ Việt Nam, cứ ngỡ những người phụ ấy chỉ có trong các cuộc kháng chiến, hằng ngày đấu tranh với quân thù giữ lấy nền độc lập, tự do của nước nhà và là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến cầm chắc tay súng. Cho đến lúc tôi gặp chị, tôi biết rằng, chị hoàn toàn xứng đáng với tám chữ vàng Bác dành tặng. Quân thù của cô không còn là giặc Mỹ, không còn là quân Pháp mà là ma túy. Ma túy – con đường đường dẫn đến tội lỗi, ma túy – nguyên nhân của sự tan vỡ những mái ấm gia đình, ma túy – cái nghèo, cái bất hạnh ôm lấy. Cô, người phụ nữ mong manh dang tay ôm lấy mọi thứ, mang đến sự bình yên cho khu phố. Cô, người phụ nữ khi đến khu phố 6, phường Cầu Kho, quận 1 khi nhắc đến không có ai là không biết – cô Lê Thị Hà hay còn có cái tên khác Lê Thị Ngà.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với cô là sự nghiêm nghị. Tiếp xúc dần với cô, tôi mới cảm nhận được sau sự nghiêm nghị ấy là cả một trái tim rực lửa với niềm tin yêu vào cuộc sống, là nghị lực phi thường vươn lên trên mọi nghịch cảnh, là một trái tim nhân hậu biết yêu thương con người.

Đường đời lắm chông gai

Sinh năm 1958, cô gái của xứ sở hoa hồng – Đà Lạt mộng mơ theo ba mẹ đến Sài Gòn lập nghiệp. Sau đó, lập gia đình với một anh chàng công nhân hiền lành, tưởng đâu niềm vui trọn vẹn với cô gái trẻ khi họ có hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn: Mỹ Phượng và Diễm Hằng. Chẳng may chồng cô bị tai biến mạch máu não khi mà Mỹ Phượng vừa tròn 3 tuổi, còn Diễm Hằng chỉ mới 3 tháng tuổi. Bao nhiêu tiền dành dụm được cô đều cố gắng chạy chữa cho chồng nhưng hạnh phúc vẫn không mỉm cười, chú ấy bị liệt nửa người nằm liệt giường. Một mình gánh vác cả một gia đình, vừa lo cho chồng, vừa lo cho con thơ dại. Đó thật sự là một cú sốc tinh thần rất lớn, cô muốn gục ngã vì nỗi đau quá lớn ập đến với người vợ trẻ nhưng vì thương hai con nhỏ dại nên tự nhủ lòng phải cố gắng vượt lên. Cô làm đủ nghề để lo cho chồng, cho con từ bán rau hành ở chợ kiếm dăm ba đồng lời đến giúp việc cho các gia đình đến giữ xe, miễn đó là những đồng tiền chân chính. Ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời chưa lên và kết thúc lúc mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Một ngày bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc lúc 12h khuya. Thế nhưng kinh tế gia đình vẫn khánh kiệt, chạy vạy khắp nơi vay mượn vẫn không đủ tiền chạy chữa cho chồng, đến cả chiếc nhẫn cưới cũng đành đem bán mua sữa cho con và số nợ ấy đến nay vẫn chưa trả hết. Nhưng một lần nữa hạnh phúc không mỉm cười khi chồng cô không thể vượt qua bệnh tật và bỏ mẹ con năm 2007. Hiện nay, ba mẹ con vẫn ở trong căn nhà thuê trong một con hẻm nhỏ trong khu phố 6.

Vượt lên trên nghịch cảnh

Ngỡ như cuộc sống chỉ có tất bật lo chuyện cơm áo gạo tiền nhưng cô luôn năng nổ trong các hoạt động xã hội của khu phố, của phường, dù đó chỉ là những công tác tình nguyện, không mang lại những giá trị vật chất cho cô…

Bà mẹ của những đứa trẻ

Khu phố 6, phường Cầu Kho là một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội, mua bán ma túy thời bấy giờ. Trong khu phố, người nghiện ngập, kẻ đi tù vì tàng trữ mua bán trái phép ma túy, người chết vì HIV… Để lại đằng sau đó là những đứa con thơ dại không nơi nương tựa, là những đứa bé lang thang đầu đường xó chợ không ai quan tâm chăm sóc. Các em tự làm đủ nghề để nuôi sống bản thân. Niềm vui của các em lúc bấy giờ là giở đủ trò để quậy phá, từ bấm chuông cửa đến đập bễ chậu bông những hộ gia đình trong khu phố đến cả lên cầu Nguyễn Văn Cừ bắn nước xuống người đi đường và nhiều trò nghịch dại khác.

Nhìn thấy cảnh đó, cô xót cho tuổi thơ các em bị cướp mất bởi ma túy, bởi những người đã sinh ra chúng, cô thương như thương hai cô con gái mình. Đó là trái tim của người mẹ, là mẹ của hai con gái cô và là mẹ của những đứa trẻ bụi đời ấy. Cô trải lòng “Mỗi đứa trẻ đều là những viên ngọc chỉ tại cha mẹ bọn nhỏ không biết rèn giũa mà thôi. Không có đứa trẻ nào xấu, chỉ có những đứa trẻ chưa được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Bác Hồ nói trẻ em là những thế hệ tương lai của đất nước mà. Phải nhặt lên và dạy dỗ bọn chúng, giúp chúng trở thành người tốt, người có ích cho xã hội.” Tổ bảo vệ Kim Đồng của cô ra đời như vậy, tổ ra đời bởi trái tim nhân hậu của một người mẹ, người luôn lấy lời dạy của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Ban đầu số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, hiện tại số lượng lớp học lên tới 41 em, sinh hoạt tại văn phòng chốt dân phòng khu phố 6.

Từ ngày ấy, từ những đứa trẻ quậy phá, lang thang đầu đường xó chợ, trộm cắp, nghiện ngập được cô dạy chữ, dạy cách làm người, văn phòng nhỏ của khu phố rộn rã tiếng nói cười của các em mỗi khi màn đêm buông xuống. Đứa nhỏ thì tập viết, tô màu, hát múa, đứa lớn thì học chữ, học anh văn. Từ những đứa trẻ hư hỏng cô dạy và giúp các em thực hiện năm điều Bác Hồ dạy. Cô chia sẻ, tổ bảo vệ Kim Đồng luôn thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy, một lần nhặt được của rơi các em đem trả cho người đánh rơi là các em rất dũng cảm, dũng cảm từ bỏ lợi ích vật chất để hướng tới những điều cao cả hơn. Các em cũng đã rất trung thực, thật thà. Năm điều Bác Hồ dạy đi vào đời sống hằng ngày của các em một cách tự nhiên nhất và giúp các em sống đẹp hơn mỗi ngày.

Học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại cũng là điều được cô nhắc suốt trong buổi trò chuyện “Dù là trẻ nhỏ hay người lớn chỉ cần thực hiện được năm điều Bác Hồ dạy thì cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao khi con người sống biết yêu thương con người, khi con người biết nhường nhịn lẫn nhau”.

Để động viên tinh thần học tập của các em, cuối kì cô tổ chức khen thưởng cho những em có thành tích tốt và vận động xin học bổng giúp đỡ các em được đến trường. Ngoài ra để nâng cao tinh thần thi đua, cô chủ động tìm các cuộc thi trong thành phố để tổ tham gia dự thi. Trong cuộc thi Nhật kí đọc sách năm 2012 do Ủy ban nhân dân quận 1 tổ chức, tổ bảo vệ Kim Đồng giành đến 5 giải (trong đó có ba giải nhất và hai giải nhì). Sau đó tổ còn giành được cả giải vô địch trong cuộc thi viết cảm nhận về Bác Hồ. Đó là phần thưởng xứng đáng các bạn dành tặng mẹ Hà sau những ngày vất vả. Với cô, đó là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao.

Người bảo vệ bình yên cho khu phố

Năm 2005, tình hình tệ nạn ma túy có những chuyển biến phức tạp, Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho quyết định thành lập tổ Cán sự xã hội giúp đỡ, quản lí người sau cai tái hòa nhập cộng đồng và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Trong vai trò là cán sự xã hội, cô đem tấm lòng của mình quan tâm những người đang cai nghiện, những người hồi gia. Giúp đỡ họ có công ăn việc làm, tâm sự an ủi cùng họ vượt qua những mặc cảm tự ti tái hóa nhập cộng đồng.

Muốn làm được những điều này cô phải hiểu rõ tâm tư tình cảm của từng đối tượng mà cô đang tiếp xúc. Cô là người bạn để gửi gắm những nỗi niềm tâm sự được giấu kín sâu nơi đáy lòng: có bạn sợ người yêu biết mình đã từng nghiện ngập, có bạn sợ gia đình người yêu không chấp nhận khi biết được quá khứ của mình và cô Lê Thị Hà lại là “quân sư tình yêu”. Có những cuộc điện thoại dù là 2 giờ sáng cô vẫn vui vẻ chia sẻ và sẵn sàng đến với các bạn nếu các bạn cần. Cô bộc bạch “Đã hứa là phải làm, cô hứa chỉ cần các bạn cần cô, cô sẽ có mặt đúng lúc. Nói là phải đi đôi với làm, nếu nói mà không làm sẽ làm mất uy tín và các bạn chẳng tin cô nữa đâu.”

Nắm bắt rõ tâm lý từng đối tượng như vậy nên từ tổ cán sự xã hội, năm 2009 cô được phân công sang Tổ bảo vệ khu phố và hiện nay là Phó ban bảo vệ khu phố phường Cầu Kho. Hàng trăm con hẻm của phường Cầu Kho những năm qua đều in hằn viết chân của cô, dù đó là những ca trực đến 2 giờ sáng để bảo vệ bình yên cho khu phố. Cô – người phụ nữ gan trường dám nói dám làm, dám đấu tranh với từng loại tội phạm. Cô, len lỏi vào từng ngóc ngách, chỉ điểm cho công an những vụ buôn bán ma túy. Cô, hiểu rõ từng nhà trong khu phố. Cô, bị nhiều lời dè bỉu, chê bai vì thân phận phụ nữ lại đi dấn thân vào công việc của đàn ông, người ta không tin cô sẽ làm được. Cũng có những lời khuyên chân thành không nên làm những công việc nguy hiểm đó. Nhưng bằng sự tận tâm cô giúp cho phường Cầu Kho ngày càng “sạch” ma túy và giảm hẳn các tệ nạn xã hội.

Khi được hỏi về những nguy hiểm cô phải vượt qua trong quá trình thực hiện “nhiệm vụ đàn ông” thì cô cười tươi “Mình không nghĩ những chuyện mình đang làm là đang dấn thân vào nguy hiểm. Như Bác Hồ đã nói sống dựa vào dân, sống tốt với dân, sống quanh dân thì có dân lo cho rồi, mình đấu tranh với tội phạm cùng với nhân dân. Lúc mình bắt tội phạm thì chỉ có hai nhưng nhân dân quanh đó có đến mười thì sao phải sợ tội phạm.”

Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cô còn chăm lo đời sống cho anh em đồng nghiệp. Cô tìm thêm việc để anh em kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình sau giờ hành chính hay thực hiện chương trình “Nuôi heo đất”. Điều đó làm thắt chặt tình đoàn kết anh em trong đơn vị. Cô xem đồng nghiệp mình như anh em trong nhà, góp ý thẳng thắn với đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau hoàn thiện mình và phục vụ nhân dân tốt hơn, lấy lợi ích nhân dân đặt lên hàng đầu.

Tài sản vô giá của người mẹ nghèo

Căn phòng nhỏ vẻn vẹn 16m2 của ba mẹ con đang sống không có gì quý giá hơn là kỷ niệm chương, là bằng khen trong nhiều năm qua với những đóng góp thiết thực cho đời sống cộng đồng. Đó là kỉ niệm chương vì sự nghiệp Dân số, Gia đình, Trẻ em năm 2007 của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Đó là giấy khen đã có nhiều thành tích trong xây dựng mô hình tự quản, phòng chống tội phạm từ năm 1998 đến năm 2007 của Ủy ban nhân dân quận 1 trao tặng. Đó là Bằng khen có nhiều thành tích đóng góp cho công tác xóa đói giảm nghèo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến giải thưởng cao quý cho phụ nữ thành phố – giải thưởng Nguyễn Thị Định… Số lượng bằng khen, giấy chứng nhận có đến hàng trăm cái. Đó là những giá trị tinh thần vô giá cho sự công nhận như những đền đáp mà xã hội ưu ái dành cho người phụ nữ xứng đáng.

Nhưng có lẽ tài sản quý giá nhất và đáng tự hào nhất của cô không phải là hàng loạt bằng khen và giấy chứng nhận mà là hai cô con gái ngoan ngoãn. Biết gia đình khó khăn, thương mẹ đêm ngày vất vả, thương cha bệnh tật hai con đã tự lập từ rất sớm. Hằng ngày sau giờ học Phượng và Hằng đều ra chợ phụ mẹ bán rau hành. Đèn học của hai đứa trẻ thơ ngây thời ấy là ánh đèn hắt ra từ bóng đèn đường của khu phố, là ánh đèn hắt ra từ gánh hàng bán vịt lộn bên cạnh. Thế nhưng thành tích học tập của hai con đều rất xuất sắc. Mới hết lớp 4, Phượng đã nhận chứng chỉ loại xuất sắc của trường Anh ngữ quốc tế CEC và là học viên xuất sắc nhất trong khóa học do Hội nghiên cứu dịch thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Phượng hiện nay đã tốt nghiệp trường Đại học Văn Lang chuyên ngành Quản trị kinh doanh và là Bí thư chi đoàn khu phố 6 của phường Cầu Kho, hiện đang theo học văn bằng hai Đại học Luật. Diễm Hằng là sinh viên năm 3 Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Anh văn thương mại.

Nói về mẹ của mình, Diễm Hằng tự hào: “Nhiều lúc em thấy ghen tị với các bạn nhỏ vì thấy sao mẹ thương các bạn nhỏ còn hơn mình. Nhưng nghĩ lại, các bạn chịu nhiều bất hạnh quá rồi, lo cho các bạn nhỏ nhưng mẹ cũng chăm lo cho tụi em rất tốt. Rồi cứ mỗi lần, có chuyện gì trong khu phố cô con lại gọi mẹ, thấy thương mẹ nhưng cũng tự hào lắm. Em học hỏi được mẹ em nhiều thứ từ cách sống, cách làm việc của mẹ.”

Trong câu chuyện đời mình, cô cười tươi “Đời người chẳng được bao nhiêu, sống là cho đi chứ không phải nhận lại, hạnh phúc là được nhìn thấy niềm vui của những gì mình mang đến cho mọi người xung quanh.”