CHIẾC CẦU NỐI CHO NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

Với nụ cười đáng mến cùng phong cách nhanh nhẹn đáng mến, người tổ trưởng khu phố Đàm Văn Viên đã trở thành “người bác sĩ bắt mạch” cho người dân trong suốt ba năm công tác vừa qua. Gặp chú chỉ vỏn vẹn một tiếng nhưng bản thân tôi cũng bị thu hút bởi cách nói chuyện dễ chịu, rất thuyết phục của người doanh nhân trẻ tuổi này. Đó có lẽ là bài học về cách đối nhân xử thế mà không phải ai cũng có vận may gặp được.

Sinh ra tại thành phố Đà Nẵng trong một gia đình đông anh em, quá trình lập nghiệp của chú Viên là một câu chuyện dài. Sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán tài chính, chú Viên vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Một mình nơi đất khách quê người, chú đã không ngừng nỗ lực để tạo ra những thành quả lao động góp ích cho đời và dần dần coi mảnh đất nơi đây như quê hương của mình, coi những người láng giềng như bà con ruột thịt. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Tiến Viên ra đời như là một món quà của mười năm chăm chỉ làm việc kiếm sống. Giờ đây trong gia đình nhỏ hạnh phúc đầy ắp tiếng cười của hai bé trai chăm ngoan, học giỏi, chú Viên lại tiếp tục trăn trở với những việc lại hữu ích cảm ơn cuộc đời.

“Vui lắm khi người ta có việc gì cũng hỏi đến mình, ra đường gặp ai cũng biết mình, chào mình. Nếu không là tổ trưởng thì làm sao có được điều ấy” – nói về công việc của một người tổ trưởng khu phố đông dân nhất trong phường Cầu Kho, tôi bắt gặp niềm hăng say trong đôi mắt chú. Với từng người, từng hộ gia đình trong khu phố, chú nắm được hoàn cảnh, cá tính của từng người bởi “có như vậy mình mới thuyết phục được họ”. Người tổ trưởng như chiếc cầu nối nhịp giữa các chính sách của Nhà nước và Nhân dân. Chiếc loa tuyên truyền phải khéo léo thì mới làm cho người dân tin tưởng, chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngược lại, người tổ trưởng lại đại diện cho người dân phản ánh lại những khó khăn trong cuộc sống với chính quyền. Chiếc cầu không được giữ lại lợi lộc cho riêng mình, mà nó càng phải trung thực, càng phải khách quan để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nói chuyện với bà con trong khu phố phải dựa vào uy tín, dựa vào niềm tin từ những hành động thiết thực.

Công việc khó khăn nhất có lẽ là trách nhiệm thu các loại phí của địa phương, người ta thường nhạy cảm khi đề cập đến tiền. Nhưng với chú Viên, việc thu đúng và đủ các loại phí ấy không quá khó khăn, bởi nghệ thuật nằm ở chỗ biết lựa đúng thời gian và địa điểm, với từng nhà, từng hoàn cảnh phải có cách làm riêng. Thế nhưng đôi khi lại có “tai nạn nghề nghiệp”, ví như việc làm đường, có vết nứt trước nhà dân, xử lí phải dựa vào đội thi công nhưng dân bức xúc thì họ còn nói: “Lấy tiền thì thấy có mặt, lúc có việc kêu thì cứ hẹn tới hẹn lui”. Tôi hỏi chú: “Lúc đó chú có nản không?” Chú cười thật hiền bảo: “Quen rồi, mình biết họ nói vậy chỉ vì tức giận. Càng như thế mình càng phải nhẹ nhàng giải thích cho bà con hiểu. Có thể nói như là “mềm nắn, rắn buông”. Mình quen rồi, đừng nên để bà con thấy tổ trưởng là sợ, thấy mình bấm chuông là bực dọc.” Muốn làm gì phải biết lựa thời cơ, ví như thu tiền thì cần đợi dịp 30/4 được thưởng hay những khi người dân thoải mái về kinh tế, không làm họ thấy bắt buộc họ một cách quá đáng.

Đối với chú Viên, Bác Hồ như một vị bồ tát. Chú học được nơi Bác lòng từ tâm và lòng nhân ái với nhân dân. Làm việc thì phải hết lòng đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Một tổ trưởng nhỏ thì làm việc nhỏ, chú luôn nhớ phải dành mọi quyền lợi cho người dân. Khi có quyền lợi gì cho người cao tuổi, các học bổng dành cho học sinh nghèo, hỗ trợ dành cho người nghèo chú đều nhanh chóng hướng dẫn để người dân hưởng đủ quyền lợi. Không để cho người dân bị thiệt thòi,uy tín xây dựng là dựa vào những hành động thực tế. Bản thân chú luôn gương mẫu trong mọi việc, chấp hành tốt các chính sách của Đảng và nhà nước. Đặc biệt, người tổ trưởng cũng như nhà tâm lí, đứng ra hòa giải những xích mích của bà con khu phố. Có những khi chỉ vì một nhành cây bắt sang nhà bên cạnh mà hàng xóm không vừa lòng với nhau. Chú lại đứng ra làm trung gian thì mọi thứ đều tốt đẹp, có những việc cần những cầu nối như thế. Và với chú “bán anh em xa mua làng giềng gần”, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, môi trường sống lành mạnh sẽ làm cho con người thư thái hơn.

Theo chú, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là làm những điều nhỏ nhặt góp thành điều to lớn. Mỗi cá nhân cố gắng làm một việc tốt nhỏ thì xã hội sẽ có những việc tốt lớn. Một người sống hạnh phúc hơn là một mảng màu tươi sáng hơn cho xã hội còn lắm những bất công. Việc làm tâm đắc nhất của chú là giúp đỡ người nghèo, làm cho cuộc sống cuả mọi người khấm khá hơn. Trong khu phố của chú có những trường hợp rất đáng thương. Có gia đình hoàn cảnh bi đát, cha mất sớm, mẹ bệnh tật không lao động được. Ông bà già yếu hoàn toàn phụ thuộc vào người con. Bất hạnh nhất là khi lao động chính qua đời, gia đình không đủ tài chính chôn cất. Cảm thương với hoàn cảnh này, chú đã vận động đóng góp, bỏ tiền riêng lo ma chay. Không chỉ một lần mà đến khi người bà mất, chú cũng dang tay giúp đỡ. Những ngày đám chú ở đó suốt ngày đêm để kịp thời giúp đỡ. Giúp thì giúp tận tụy nhưng chú không mong người đó trả ơn, chỉ mong họ sống thật tốt. Thấy niềm vui của bà con sống chung quanh chú coi như mình đã được đền đáp xứng đáng. Tâm sự về công việc, chú chỉ mong mình sẽ được tạo điều kiện tốt hơn, được có cơ hội để phục vụ nhân dân. Mong sẽ có một ngày người tổ trưởng trở thành nhân tố cần thiết mà khi người dân gặp khó khăn sẽ tìm đến.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”- cảm ơn đời đã góp những ý thật tươi, những bông hoa thật đẹp như chú. Cuộc sống đôi khi chẳng cần những thứ vĩ đại mới là hoàn hảo. Bình dị thế đấy nhưng việc làm của chú lại là minh chứng tiêu biểu cho những người con Bác Hồ. Mong rằng sẽ có những điều tốt đẹp nhất đến với chú.

Tin cũ hơn

Góp ý